Cơ chế đặc thù bị vướng luật: Cơ hội trong tay mà vẫn loay hoay
(VNF) - Sau hơn 5 tháng Nghị quyết 98 được ban hành, các chuyên gia cho rằng vẫn còn những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ để hoạt động đầu tư tại TP. HCM ổn định và tăng trưởng bền vững.
Chính quyền và nhà đầu tư vẫn loay hoay
Nghị quyết 98 được xem là cơ hội nhưng khi triển khai trên thực tế, vẫn còn nhiều thách thức cho các nhà đầu tư trong bối cảnh hệ thống pháp lý hiện hành chưa ổn định.
Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, việc triển khai các dự án PPP trên thực tế tại TP vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực này liên tục được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp với thực tiễn. Ngoài ra, cả phía Nhà nước lẫn khu vực tư nhân vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn, xác định loại hợp đồng (BOT, BTO, BLT, BTL, BOO, O&M, BT) sao cho phù hợp với từng lĩnh vực và tính chất của dự án.
“Như vậy, có thể nhìn nhận rằng, sự thiếu hụt các hướng dẫn cụ thể và được quy định rõ ràng tại luật và các văn bản pháp luật khiến cả các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư còn loay hoay khi tham gia vào các hợp đồng theo phương thức PPP, còn rất nhiều điểm pháp lý cần gỡ vướng”, ông Kiên nhận xét.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho hay, Nghị quyết 98 mặc dù có nhiều bước tiến vượt bậc so với khung pháp lý về PPP ở một số điều khoản, nhưng lại đặt ra cho nhà đầu tư nhiều băn khoăn khi không có hướng dẫn chi tiết và có nhiều điểm chưa rõ ràng.
Chẳng hạn, Nghị quyết quy định việc áp dụng hình thức hợp đồng PPP đối với các lĩnh vực mới như thể thao, văn hóa. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư hiện chỉ được áp dụng cho một số lĩnh vực mà không bao gồm 2 lĩnh vực nói trên, vậy việc áp dụng PPP đối với hai lĩnh vực này có khả năng sẽ gây ra một số cản trở nhất định cho nhà đầu tư khi xây dựng, vận hành dự án.
“Bởi vậy cần khung pháp lý để chính quyền TP cần biết thẩm quyền được làm việc gì, phải làm việc gì, cũng như để nhà đầu tư biết được môi trường đó an toàn thế nào, tránh những rủi ro sau này”, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP nhận định.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Việt Nam có nhiều lợi thế và được rất nhiều nhà đầu tư đánh giá là điểm đến cho dòng vốn của họ. Tuy nhiên, đang có sự cạnh tranh gay gắt và các nước trong khu vực chuyển động nhanh hơn rất nhiều để nắm bắt các cơ hội gọi vốn đầu tư. “TP. HCM có Nghị quyết 98 là cơ hội lớn để làm việc này, nhưng cũng đặt ra một thách thức rất lớn trong quá trình triển khai, trong đó nổi lên là vấn đề an toàn trong kinh doanh, an toàn về pháp lý cho các nhà đầu tư.”, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
TS Trần Du Lịch cũng cho biết, Nghị quyết 98 thực chất là tạo cơ chế đặc thù cho đô thị có quy mô như TP. HCM, có nghĩa là tạo ra cơ chế mà hiện nay chưa có quy định hoặc quy định chưa phù hợp để TP thí điểm, sao cho huy động được cao nhất nguồn lực để phát triển với vai trò là đầu tàu của Vùng Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, khi triển khai lại phát sinh vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, chẳng hạn phân cấp thì chính quyền TP quản lý nhưng quy trình thủ tục thì phải tuân theo các luật hiện hành. Đơn cử, theo Điều 4 của Nghị quyết 98 liên quan đến quy trình thủ tục của nhà đầu tư chiến lược quy định phải theo Điều 85, Điều 22 của Luật Đầu tư. Như vậy quyền quyết định thì của TP nhưng quy trình lại theo Luật đầu tư.
Nhanh chóng sửa đổi các văn bản pháp luật
Nghị quyết 98 được Quốc Hội thông qua được thiết kế với nhiều chính sách đặc thù cho TP. HCM, gắn liền cùng các nhóm: quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, quản lý về đất đai nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Kiến tạo lợi thế mới cho nhà đầu tư TP. HCM trong bối cảnh Nghị quyết 98/2023/QH15” vừa qua, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh: "Nghị quyết này là công cụ pháp lý hữu hiệu giúp tháo gỡ hai điểm nghẽn làm cản bước phát triển của TP bấy lâu nay: thể chế và hạ tầng. Đây là lần đầu tiên TP được trao một nghị quyết có nhiều nội dung mang tính đột phá, mở đường cho nhiều hướng đi cải cách vượt bậc".
Tuy nhiên, theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm đồng tài kinh tế Việt Nam VIAC, cách thức tổ chức vận dụng quy định pháp luật là yếu tố then chốt, góp phần quyết định sự tăng trưởng của hoạt động đầu tư, không chỉ tại TP. HCM mà còn ở tất cả các tỉnh thành khác.
Để Nghị quyết trở nên khả thi và thiết thực hơn, TP cần chuẩn bị các phương án cụ thể về cách triển khai, tài chính, kế hoạch về quỹ đất, bồi thường, thu hồi và sử dụng đất, tất cả cần được điều chỉnh để phù hợp với môi trường địa phương.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thực tế sau 4 tháng triển khai, có thể nhận thấy TP cần phối hợp với các cấp có thẩm quyền, trung ương để nhanh chóng sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; tạo hành lang pháp lý vững chắc và thống nhất quy trình trong vận hành Nghị quyết. Điều này cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng để Nghị quyết thực sự là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội cho TP.
Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: 'Phạt nặng, ngăn chặn âm mưu lũng đoạn thị trường'
Ford đồng loạt giảm giá: Ranger, Everest, Territory, Explorer
'Chưa trả hết món nợ hạ tầng và nhân lực, đừng ảo tưởng đi ngay vào kinh tế số'
Chủ tịch nước: 'Thất bại của nhà đầu tư là thất bại của nhà nước trong phát triển kinh tế'
Ninh Bình: Đầu tư 6.800 tỷ đồng làm cao tốc nối về Hải Phòng
VAFI: 'Phương pháp tính thuế hỗn hợp không có lợi cho ngành bia'
Vừa siết thị trường game làm thất thoát 80 tỷ USD, Trung Quốc lại 'quay xe'
Handico: Lên kế hoạch 2024, doanh thu 10.000 tỷ, lãi 1.200 tỷ
TP. HCM đã cấp 22.147/ 81.085 giấy chứng nhận cho người mua nhà dự án
Mua điện mặt trời sai giá: EVN tốn thêm 1.481 tỷ, Bộ Công thương phải đi xử lý