Còng lưng gánh nợ vì thói quen quẹt thẻ tín dụng
(VNF) - Việc người tiêu dùng tăng cường chi tiêu bất chấp lạm phát và lãi suất cao đã giữ cho cỗ máy kinh tế Mỹ vận hành ổn định, nhưng cái giá phải trả là người dân đang tích lũy số dư nợ thẻ tín dụng cao kỷ lục và ngày càng có nhiều người rơi vào tình trạng “nợ dai dẳng”, đặc biệt là những người trẻ.
Còng lưng gánh nợ
Theo dữ liệu vừa được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York công bố, số dư nợ thẻ tín dụng của người dân Mỹ trong quý III vừa qua đã tăng thêm 48 tỷ USD (4,7%) so với quý trước đó lên mức cao kỷ lục 1,08 nghìn tỷ USD. Con số này cao hơn 154 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức tăng lớn nhất kể từ khi dữ liệu này được thống kê vào năm 1999.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng ngày càng nhiều hộ gia đình Mỹ gặp khó khăn trong việc quản lý nợ trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và lãi suất tăng cao. Tổng mức nợ hộ gia đình của Mỹ đã tăng thêm 228 tỷ USD (1,3%) lên 17,29 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, phần lớn là do nợ thẻ tín dụng và các khoản vay sinh viên.
“Tỷ lệ nợ chuyển sang tình trạng quá hạn đối với các khoản thế chấp, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nợ hộ gia đình, vẫn thấp hơn mức trước đại dịch nhưng các khoản vay mua ô tô và nợ thẻ tín dụng quá hạn đã vượt qua mức trước đại dịch và tiếp tục tăng”, báo cáo của Fed New York nêu rõ.
Báo cáo cho thấy, trong quý III vừa qua, khoảng 2% người sử dụng thẻ tín dụng ở Mỹ đã bị lâm vào tình trạng quá hạn từ 30 ngày trở lên trên ít nhất một tài khoản thẻ tín dụng. Theo Fed New York, con số này tăng từ mức 1,6% trong quý I, đồng thời cao hơn mức trung bình 1,7% của quý III trong giai đoạn 2015-2019.
Trước tình hình giá cả tăng cao, đặc biệt là đối với thực phẩm, nhiên liệu và nhà ở, ngày càng có nhiều chủ thẻ mắc nợ từ tháng này sang tháng khác. Cơ quan giám sát người tiêu dùng Mỹ cho biết gần 1/10 người sử dụng thẻ tín dụng rơi vào tình trạng “nợ dai dẳng”, có nghĩa là họ phải trả lãi và phí mỗi năm nhiều hơn số tiền gốc, đây là một mô hình ngày càng khó phá vỡ.
Cũng theo báo cáo, mặc dù tình trạng nợ quá hạn gia tăng trải dài ở các khu vực trên toàn nước Mỹ và với các đối tượng có thu nhập khác nhau, nhưng chúng đặc biệt nghiêm trọng ở thế hệ trẻ và những người có khoản vay mua ô tô hoặc phải gánh khoản nợ vay sinh viên.
Những người Mỹ có nợ học phí Đại học đã được hoãn việc trả nợ đối với các khoản vay này từ tháng 3/2020, khi Bộ Giáo dục Mỹ đưa ra chính sách nhằm hỗ trợ người tiêu dùng vượt qua ảnh hưởng tài chính của đại dịch Covid-19. Việc được hoãn trả nợ giúp người tiêu dùng có thêm tiền để chi tiêu, qua đó thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi việc trả nợ đối với các khoản vay sinh viên được nối lại vào tháng 10, hàng chục triệu người vay những khoản vay này sẽ phải bỏ ra 200-300 USD mỗi tháng, điều này khiến việc trả dư nợ tín dụng trở nên khó khăn với nhiều người trẻ.
“Thế hệ Millennials (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) đã chứng kiến tỷ lệ nợ quá hạn tăng mạnh nhất và tỷ lệ này chắc chắn cao hơn mức trước đại dịch. Giữa bối cảnh thị trường lao động và nền kinh tế nói chung tương đối ổn định, mức tăng này có phần đáng ngạc nhiên”, các nhà nghiên cứu của Fed tại New York nhận định. Họ cho rằng mặc dù xu hướng này có thể xuất phát từ những thay đổi trong tiêu chuẩn cho vay nhưng nó cũng có thể là tín hiệu cho “căng thẳng tài chính thực sự”.
Lãi suất cao kỷ lục
Bên cạnh vấn đề lạm phát, chính sách tiền tệ chặt chẽ duy trì liên tục của Fed trong gần 2 năm qua cũng là một trong những yếu tố quan trọng đẩy nhanh tình trạng nợ tín dụng ở Mỹ. Lãi suất cơ bản của Fed đang ở mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 25 năm. Lãi suất thẻ tín dụng trung bình tại Mỹ hiện đã vượt 21%, cũng là mức cao nhất mọi thời đại.
Ryan Gomez bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng vào năm 2020 sau khi mất việc trong một nhà máy sản xuất thực phẩm và nhập học một trường cao đẳng cộng đồng. Khi giá thuê nhà ở Portland (thuộc tiểu bang Oregon ở khu vực Tây Bắc nước Mỹ) tăng lên, Gomez phải dùng thẻ tín dụng để trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu và những hoá đơn thú y cho chú mèo cưng. Khi lãi suất tăng, lãi suất thẻ tín dụng của Gomez tăng lên mức gần 25% và điều này khiến người đàn ông Mỹ phải “vật lộn” với khoản tiền phải trả hàng tháng.
“Lãi suất hiện quá cao. Tôi dường như không thể thoát ra khỏi cái hố đó”, Gomez thừa nhận. Chàng trai 38 tuổi này cuối cùng đã phải xin sự trợ giúp của một tổ chức phi lợi nhuận để được chiết khấu số dư nợ thẻ tín dụng 17.000 USD.
Ông Matt Schulz, nhà phân tích tín dụng trưởng tại LendingTree, cho hay bất chấp chi phí cao, người tiêu dùng thường chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng, một phần vì chúng dễ tiếp cận hơn các loại khoản vay khác. Tuy nhiên, ông Schulz cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính dài hạn khác. Nhiều dự báo chỉ ra rằng tình trạng nợ thẻ tín dụng quá hạn ở quốc gia này sẽ còn tăng, đặc biệt khi kỳ nghỉ lễ và mua sắm đang tới gần.
Điều người tiêu dùng quan tâm hiện tại là Fed liệu có tiếp tục tăng lãi suất hay không. Chuỗi 11 lần tăng lãi suất của Fed, trong đó có 4 lần kể từ đầu năm tới nay, đã khiến lạm phát của Mỹ hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh của năm 2022, tuy nhiên vẫn cao hơn mục tiêu mà cơ quan này đưa ra. Trong dự báo mới nhất được Fed đưa ra hồi tháng 9, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này cho rằng phải đến năm 2026, lạm phát mới giảm về mức mục tiêu 2%.
Một báo cáo sơ bộ do Đại học Michigan công bố hôm 10/11 cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm 5% trong tháng 11. Đây là tháng thứ tư liên tiếp niềm tin trở nên “tồi tệ” sau bước cải thiện trong mùa Hè. Trong đó, chỉ số niềm tin của nhóm người trẻ và thu nhập thấp giảm mạnh nhất. Báo cáo cũng cho thấy kỳ vọng lạm phát dài hạn của người Mỹ đã tăng lên mức 3,2% trong tháng này, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Fed đang tập trung sự chú ý vào nhận thức của người Mỹ về tình hình lạm phát. Nếu người dân nước này chấp nhận mức giá cao hơn như một điều “bình thường mới”, điều đó có thể khiến việc kiềm chế lạm phát của cơ quan này trở nên gian nan hơn. Fed có thể phải thắt chặt thêm chính sách tiền tệ bằng cách tăng thêm lãi suất hoặc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn dự kiến.
Trong bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell ghi nhận tăng trưởng kinh tế có tiến bộ khi GDP của Mỹ đạt tốc độ tăng hàng năm 4,9% trong quý III, nhưng ông cũng cho rằng tăng trưởng sẽ giảm tốc trong những quý sắp tới. Chủ tịch Fed đồng thời cho biết ông vẫn chưa chắc chắn liệu họ đã thắt chặt chính sách đủ để đưa lạm phát về mức mục tiêu hay chưa.
Tuy vậy, theo dự đoán của các nhà kinh tế học tại Ngân hàng Morgan Stanley, Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất hàng loạt từ tháng 6/2024. Mức giảm mỗi lần có thể là 25 điểm cơ bản (0,25 điểm %), đưa lãi suất tham chiếu tại Mỹ về quanh 2,375% vào cuối năm 2025.
Nghệ An: Triệt phá đường dây lô đề liên tỉnh hơn 200 tỷ đồng
PGS.TS Trần Đình Thiên: 'Đừng chăm chăm vào mục tiêu tăng trưởng'
PIT: Cổ phiếu tăng trần liên tục, công ty mẹ đăng ký thoái toàn bộ vốn
Sau một năm trượt dài về đáy, lãi suất năm 2024 sẽ tăng tới đâu?
Bộ Thông tin và Truyền thông có tân Thứ trưởng sinh năm 1983
Chủ sở hữu TikTok đạt doanh thu trăm tỷ USD, 'ngang cơ' trùm công nghệ Trung Quốc Tencent
Dự án Usilk City: ‘Thành phố trong mơ’ hóa ra 10 năm ‘oan nghiệt’
Phú Quốc ra mắt chợ đêm bên biển
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Hết năm nay, các mạng xã hội lớn sẽ đều có chức năng xác thực'
Quy định về đại gia Việt góp vốn vào ngân hàng liên doanh nước ngoài
Khi niềm tin ‘vụn vỡ’, 29 tỷ USD vốn ngoại tháo chảy khỏi Trung Quốc