Doanh nhân Việt và công cuộc khởi nghiệp lần thứ thứ 2
(VNF) - Doanh nhân Việt đang bước vào công cuộc khởi nghiệp lần thứ 2 trong nền kinh tế. Trong công cuộc này, để hỗ trợ những nỗ lực khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, vai trò dẫn dắt, mở đường của Nhà nước cần kiến tạo thông qua việc đột phá cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng giữ vai trò quan trọng.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, Đầu tư tài chính - VietnamFinance xin giới thiệu bài viết của ông Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia. Ông Vũ Tiến Lộc nguyên là Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng và khó khăn
Ở trong nước, sản xuất khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động suy giảm, sức mua thấp, thị trường ảm đạm. Đầu tư nước ngoài không được như kỳ vọng. Đầu tư tư nhân yếu. Đầu tư công, dù đã có những xung lực mới, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp. Ba cỗ máy tăng trưởng chính của nền kinh tế là: xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư đều trong trạng thái trì trệ.
Doanh nghiệp Việt, sau một thời gian gồng mình chống đỡ với đại dịch Covid, nay lại tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn mới, thậm chí có mặt, còn nặng nề hơn. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiếu vốn, tồn kho gia tăng, khả năng thanh khoản kém. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn chồng chất, không ít doanh nghiệp buộc phải rút khỏi thị trường. Các doanh nghiệp còn hoạt động cũng cầm chừng và rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, sa thải người lao động. Có doanh nghiệp chết lâm sàng... Trong những khó khăn của doanh nghiệp, có khó khăn là tức thời, nhưng có những khó khăn về cơ cấu, là những khó khăn dài hạn. Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 160 ngàn doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh là gần 122 ngàn doanh nghiệp. Con số này cũng có nghĩa tính bình quân cứ 10 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có tới gần 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn nhất trong nhiều năm qua. Bình quân một tháng có tới 15 ngàn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Quy mô doanh nghiệp thành lập mới cũng đang suy giảm cả về số vốn đăng ký và lao động so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ đi.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp đã có những nỗ lực tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp với những giải pháp cả về quy mô và tính chất đều chưa từng có trong tiền lệ. Tuy vậy, tình hình thế giới vẫn tiếp tục khó lường, và những khó khăn nội tại của nền kinh tế dồn tụ trong nhiều năm vẫn đang bộc lộ ngày càng rõ. Sức của Nhà nước là có hạn, trong khi khó khăn của doanh nghiệp phải đương đầu là vô cùng lớn.
Vì vậy, tâm thế của doanh nghiệp lúc này là không trông chờ, ỷ lại mà “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. Doanh nghiệp Việt Nam lại một lần nữa đứng trước một cuộc vượt cạn mang tính chất sinh tử để tồn tại, để cứu mình, giữ công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Lại một lần nữa, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân phải được đề cao.
Câu chuyện kỳ diệu về sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp, doanh nhân
Nhìn lại lịch sử suốt mấy chục năm qua, chúng ta đã làm nên một câu chuyện kỳ diệu về sự phát triển vượt bậc của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt. Từ chỗ không có tên trên bản đồ kinh tế nước nhà, nhưng nhờ công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thổi bùng khát vọng và làn sóng khởi nghiệp đầu tiên trong nền kinh tế, để ngày nay, chúng ta có được trên 6 triệu chủ thể kinh doanh bao gồm: 900 ngàn doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh và cả chục triệu doanh nhân đang chèo lái con thuyền kinh tế, và chỉ riêng khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 45% GDP.
Doanh nhân là lực lượng chủ công làm nên một công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa được hàng chục triệu đồng bào mình thoát khỏi đói nghèo, đưa đất nước thành nước có thu nhập trung bình và đang vững bước trên con đường giàu mạnh. Tinh thần khởi nghiệp suốt 1/3 thế kỷ qua thật đáng tự hào. Và bây giờ, chúng ta đang đước trước một yêu cầu của công cuộc khởi nghiệp lần thứ hai trong nền kinh tế. Công cuộc khởi nghiệp lần thứ hai là khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp để nâng cấp cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Công cuộc khởi nghiệp lần thứ nhất - khởi nghiệp theo chiều rộng, khởi nghiệp bình dân để thoát khỏi đói nghèo đã khó, khởi nghiệp lần thứ 2 - khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để đất nước trở nên giàu mạnh còn khó hơn nhiều.
Tiếp tục hành trình khởi nghiệp, “khởi nghiệp lại, khởi nghiệp nữa, khởi nghiệp mãi” phải là tâm thế của chúng ta. Muốn khởi nghiệp hãy nhìn thẳng vào sự thật. Phong trào khởi nghiệp phổ cập, bình dân suốt mấy chục năm qua đã sản sinh ở đất nước này hơn 6 triệu chủ thể kinh doanh - đó là một thành tựu to lớn không thể phủ nhận.
Nhưng đó chỉ là một mặt của tấm huân chương, mặt khác của tấm huân chương mà chúng ta cũng cần nhận diện cho thật rõ là cộng đồng kinh doanh với hơn 6 triệu chủ thể kinh doanh của chúng ta hiện nay, tuy đã đông, nhưng còn chưa đủ mạnh, còn manh mún, “mạnh ai nấy chạy”, trình độ quản trị, công nghệ, tính chuyên nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Chúng ta còn quá ít những doanh nghiệp cỡ lớn và vừa trong biển cả mênh mông các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt nhìn chung còn chưa cao. Không ít doanh nghiệp còn “ăn sổi ở thì”, thiếu trách nhiệm xã hội, vi phạm đạo đức kinh doanh và pháp luật. Chúng ta chưa có một thế hệ các nhà công nghiệp. Chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp và thương hiệu ngang tầm thế giới.
Quy mô nền kinh tế của chúng ta lớn, nhưng tỷ trọng khu vực phi chính thức còn cao, chiếm tới 30% GDP của nền kinh tế. Xuất khẩu của chúng ta 70% vẫn phụ thuộc vào FDI, sản lượng công nghiệp cũng trên 50% do FDI nắm giữ. Nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn, công nghệ và thị trường ngoài nước. Khả năng tự cường và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế chưa cao. Doanh nghiệp dân tộc chưa kết nối được có hiệu quả với doanh nghiệp ngoại. Nền kinh tế chủ yếu vẫn trong tình trạng gia công và thâm dụng tài nguyên, lao động. Với cơ cấu kinh tế như vậy chúng ta có thể thoát nghèo chứ không thể vượt bẫy thu nhập trung bình để xếp vào hàng ngũ các nền kinh tế phát triển cao.
Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIII đã xác định lộ trình để chúng ta trở thành một quốc gia phát triển, lại một lần nữa vai trò chủ công trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế lại được trao cho đội ngũ doanh nhân. Đất nước chỉ mạnh khi chúng ta có đội ngũ doanh nhân mạnh. Đất nước chỉ giàu khi cộng đồng doanh nghiệp biết làm giàu.
Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta đang phải thực hiện nhiệm vụ kép: trụ vững để vượt qua khó khăn “cơm, áo, gạo, tiền” trước mắt và khởi nghiệp tái cấu trúc theo hướng đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững, để vượt lên. Vì vậy, yêu cầu phục hồi đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt không có nghĩa là trở lại trạng thái của ngày hôm qua, mà phục hồi là thiết lập một trạng thái cân bằng mới cao hơn, với cấu trúc ưu việt hơn. Phục hồi phải đi cùng với nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt sẽ thành công trong công cuộc khởi nghiệp và tái thiết mới này.
Vì vậy, các doanh nghiệp, dù ở cấp độ nào, cũng phải rà xét lại mình từ tầm nhìn, chiến lược, đến cấu trúc, công tác quản trị nguồn nhân lực, công nghệ, sản phẩm, bạn hàng, đối tác, thị trường... để định hướng cho việc cơ cấu lại theo yêu cầu đổi mới, sáng tạo, kinh doanh có trách nhiệm hơn, thực hiện chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm xã hội, phát triển xanh, phát triển bền vững… Đó là thách thức và cũng là những cơ hội vô cùng lớn.
Nền kinh tế toàn cầu đang được cơ cấu lại, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển và Việt Nam với vị trí địa chính trị ,địa kinh tế thuận lợi, với sự ổn định chính trị - xã hội, với chính sách “ngoại giao cây tre” kiên định nhưng mềm dẻo, với năng lượng và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, đang được lựa chọn là điểm đến của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ cao (trong đó có công nghệ chip bán dẫn), năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn… Lại một lần nữa Việt Nam được kỳ vọng là điểm đến của làn sóng đầu tư mới với chất lượng cao hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Cơ hội nhiều thập kỷ mới có một lần, đang đến với Việt Nam và đó cũng là cơ hội kinh doanh, liên kết và nâng cấp các doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp khởi nghiệp cần sự hỗ trợ, mở đường của nhà nước
Để hỗ trợ những nỗ lực khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, vai trò dẫn dắt, mở đường của Nhà nước kiến tạo thông qua việc đột phá cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng giữ vai trò quan trọng. Doanh nghiệp không thể nâng cấp, đất nước không thể vượt bẫy thu nhập trung bình, nếu chúng ta không vượt qua tình trạng chất lượng thể chế trung bình. Thể chế cần phải vượt trội. Đó cũng là yêu cầu cấp bách của công cuộc cải cách thể chế hiện nay. Chúng ta cũng vui mừng khi trong những ngày qua, các hoạt động ngoại giao ở tầm chiến lược dồn dập của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đang mở ra chân trời mới cho sự hội nhập và phát triển của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta hy vọng những nỗ lực đồng bộ, đột phá đó sẽ được tiếp tục để mở đường, tiếp sức tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp.
Năm nay là 19 năm ngày Doanh nhân Việt Nam và 13/10 cũng là ngày mà 78 năm về trước, Bác Hồ gửi thư cho giới công thương, thay mặt cho Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, tôi xin cảm ơn Đảng và Nhà nước, các cơ quan ban ngành và chính quyền các địa phương, đã quan tâm tới cộng đồng Khởi nghiệp và xin được gửi tới tất cả các anh chị em có mặt, và không có mặt ở đây, lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân ngày sinh nhật của cộng đồng doanh nhân ở nước ta.
Chúng ta chung vui với doanh nhân đang còn tiếp tục chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua sóng gió và cũng xin được chia sẻ, cảm thông với những mất mát đau thương của các doanh nhân, do quá khó khăn, đã tạm thời phải rút khỏi thương trường. Nhưng chúng ta hi vọng, tất cả các anh chị em, sẽ lại đứng dậy sau cơn bão, và tiếp tục con đường của Doanh nhân Việt – “người chiến sĩ thời bình” - con đường gian nan nhưng rất vinh quang, không chỉ vì cá nhân mình, vì gia đình mình, vì doanh nghiệp, vì người lao động, mà còn vì sự trường tồn và giàu mạnh của đất nước này.
Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: 'Phạt nặng, ngăn chặn âm mưu lũng đoạn thị trường'
Vĩnh Hoàn: Liên tục bán ra gần 2 triệu cổ phiếu, Dragon Capital không còn là cổ đông lớn
'Nhà đầu tư Mỹ ngày càng nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp Đông Nam Á'
Cuối năm 2023, BĐS Lâm Đồng tiếp tục suy giảm mạnh
Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam: 'Thuế TTĐB khiến golf Việt Nam chưa thể phát triển'
Hết thời ép mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng
Sai phạm điện mặt trời ở Long An: Chưa được phép đã chuyển đổi đất đai, chưa nghiệm thu đã sử dụng
Thủ đoạn núp bóng doanh nghiệp hoạt động 'tín dụng đen' tại Quảng Nam
VIB huy động thành công 280 triệu USD
Công ty bất động sản của 'đại gia cá tầm' Lê Anh Đức về tay Vinhomes