Mua bán dữ liệu cá nhân, giả mạo web ngân hàng lừa tiền hàng chục tỷ đồng

Tài chính tiêu dùng   •   Thứ ba, 30/11/-0001, 00:00 AM

(VNF) - Các đối tượng mua dữ liệu cá nhân người dùng, lập web giả mạo có hình thức, giao diện các ngân hàng, công ty cho vay tài chính để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lập web giả mạo ngân hàng lừa đảo hơn 10 tỷ đồng

Công an Hà Tĩnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với nhóm đối tượng: Đinh Quốc Tuấn (SN 1987, trú quận Đống Đa, TP.Hà Nội), Nguyễn Thị Thắm (SN 1990, trú quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) và Nguyễn Xuân Tùng (SN 1990, trú tại huyện Trần Yên, tỉnh Yên Bái) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đồng thời, khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Phúc Vinh (SN 1999, trú tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) và Nhữ Thị Nguyên (SN 1988, trú quận 7, TP.HCM) về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".

Nhóm này hoạt động trong nhóm có tên “Data chất lượng toàn quốc” với gần 1.000 thành viên. Trong đó, Nguyễn Phúc Vinh và Nhữ Thị Nguyên đã quản lý và sử dụng tài khoản Facebook “Thư vũ” để đăng tải chào bán 629.050 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng cho nhiều người khác nhau, thu lợi bất chính số tiền trên 340 triệu đồng.

Cả 2 đã nhiều lần thu thập, mua trên mạng xã hội hơn 45.000 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng của các công ty tài chính để bán thu lợi nhuận. Nguyên và Vinh lập nhiều tài khoản Facebook, Telegram... đăng tải chào bán data.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, Vinh và Nguyên đã bán gần 630.000 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng cho nhiều người khác nhau, thu lợi bất chính số tiền trên 340 triệu đồng.

Từ việc mua được thông tin cá nhân khách hàng từ tài khoản "Thư vũ", nhóm Đinh Quốc Tuấn, Nguyễn Thị Thắm và Nguyễn Xuân Tùng đã tổ chức thực hiện hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cụ thể, các đối tượng Tuấn, Tùng, Thắm bàn bạc, lên kế hoạch mua dữ liệu cá nhân của các khách hàng có như cầu vay tài chính. Đồng thời, thuê nhà tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia, mua sắm hơn 20 bộ máy tính, điện thoại và thuê 20-25 nhân viên gọi điện và lập các đường link trang web giả mạo có hình thức và có giao diện giống với các website ngân hàng, công ty cho vay tài chính để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hàng ngày, Tùng mua dữ liệu cá nhân (từ Vinh và Nguyên) và đưa cho nhóm nhân viên để gọi điện và lên kịch bản như: công ty tài chính đang có chương trình cho vay tiền lãi suất thấp, cho vay số tiền lớn không giới hạn, thủ tục vay đơn giản không cần cung cấp chứng minh nhân dân hay sổ hộ khẩu… Khi người vay đồng ý thì các đối tượng gọi điện sẽ xin số điện thoại có tài khoản zalo và chuyển cho đối tượng khác sử dụng tài khoản zalo giả kết bạn và gửi cho người vay đường link đã tạo sẵn.

Các đối tượng yêu cầu người vay nhập các thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, kê khai mức thu nhập, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại người thân và lựa chọn mức tiền vay. Khi người vay nhấn vào mục rút tiền thì ứng dụng web giả mạo sẽ đưa ra nhiều lỗi khác nhau và yêu cầu phải nộp một khoản tiền mới tiếp tục được giải ngân và sẽ được nhận lại khoản tiền đã nộp.

Sau đó, các đối tượng gửi các số tài khoản ngân hàng giả mạo, số tài khoản ngân hàng đã mua bán từ trước cho nạn nhân. Và thủ đoạn đưa ra nhiều lý do như: hồ sơ khách hàng không đảm bảo, tự ý rút tiền trái phép, hệ thống bị đông cứng đóng băng toàn bộ số tiền giải ngân, phải mua bảo hiểm khoản vay mới rút được tiền và yêu cầu bị hại tiếp tục nộp tiền để được giải ngân…

Với phương thức thủ đoạn như trên, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại trên khắp cả nước với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
 Tuyệt đối không cho thuê, cho mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (Ảnh minh họa)

Không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng

Từ vụ việc trên, Bộ Công an khuyến cáo đến người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh làm lộ lọt thông tin cá nhân trên môi trường mạng, tạo kẽ hở cho các đối tượng thu thập và mua, bán thông tin, từ đó phát sinh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, người dân không chia sẻ hình ảnh chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...). Người dân cần thận trọng khi sử dụng thông tin cá nhân vào việc đăng ký các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền…). Đặc biệt, tuyệt đối không tiếp tay cho các đối tượng đề nghị thuê hoặc mua lại thông tin cá nhân từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc tài khoản ngân hàng.

Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch của người đó. Không nhấn vào các đường link hoặc mở các tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các trang, tài khoản mạng xã hội.

Khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi hay video người thân qua các ứng dụng mạng xã hội yêu cầu vay tiền, chuyển tiền, người dùng cần xác nhận lại thông tin, tìm cách xác thực qua gặp mặt trực tiếp hoặc gọi điện.

Luôn kiểm tra kỹ thông tin website khi thực hiện các giao dịch trực tuyến bởi các website chính thức của tổ chức, doanh nghiệp sẽ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn như dùng giao thức "https".

Ngoài ra, người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước hay lực lượng công an thông báo điều tra các vụ án.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết.

Theo Bộ Công an, hiện nay, tại nhiều địa phương, nhiều cá nhân đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để mua lại thông tin từ 100.000 - 300.000 đồng trên mỗi chứng minh nhân dân, căn cước công dân được chụp lại hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân để thực hiện hành vi phạm tội.

Còn Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho hay Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Để bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP. HCM khuyến cáo, đối với thông tin cá nhân, không nên công khai thông tin một cách tùy tiện trên không gian mạng, như: ngày tháng, năm sinh, số CMND hoặc CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng...;

Các cá nhân không tùy tiện đăng nhập tài khoản mạng xã hội Facebook, Gmail... của bản thân trên các website, ứng dụng không phải do các nhà phát hành mạng xã hội cung cấp để tránh bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai. 

Đối với các loại tài khoản số, người dân cần chú ý việc bảo mật tài khoản, tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mã OTP xác thực các loại tài khoản.

Khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng Internet Banking, khi nghi ngờ lộ thông tin thẻ hoặc khi chưa có nhu cầu sử dụng; chỉ đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua website chính thức của ngân hàng.

Nếu đã lỡ bấm vào link lừa đảo và tiết lộ thông tin, liên hệ đến tổng đài hỗ trợ của ngân hàng hoặc soạn tin nhắn theo cú pháp khóa khẩn cấp đã được chỉ định trước đó để được hướng dẫn thêm. 

Đối với tổ chức cơ quan, doanh nghiệp: Khẩn trương triển khai và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật tại Nghị định 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin của cơ quan, doanh nghiệp, thực hiện nghiêm quy định đánh giá tác động về bảo vệ dữ liệu cá nhân, hoạt động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài theo đúng quy định pháp luật.

Trần Lê

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề
Nghệ An: Triệt phá đường dây lô đề liên tỉnh hơn 200 tỷ đồng

Nghệ An: Triệt phá đường dây lô đề liên tỉnh hơn 200 tỷ đồng

Tài chính tiêu dùng   •   20.12.2024
(VNF) - Đường dây đánh bạc liên tỉnh, do Đinh Thị Thao và Nguyễn Thị Thảo cùng trú tại quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội cầm đầu. Đường dây này còn có nhiều “đại lý cấp dưới” ở nhiều địa phương trong cả nước.