Mua điện mặt trời sai giá: EVN tốn thêm 1.481 tỷ, Bộ Công thương phải đi xử lý
(VNF) -Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chủ trì đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế, khi để EVN "gánh" hơn hàng nghìn tỷ đồng tiền mua điện với 14 dự án đang được hưởng giá FIT không đúng.
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh. Trong đó, đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt khuyết điểm, vi phạm của Bộ Công Thương trong tham mưu chính sách và quản lý thực hiện Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.
14 dự án được hưởng giá FIT không đúng đối tượng...
Về tham mưu chính sách, kết luận thanh tra nêu: Bộ Công Thương tham mưu cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận (quy định tại khoản 3 Điều 5) tại Quyết định 13 năm 2020, trái với nội dung Nghị quyết 115 năm 2018 của Chính phủ.
Theo Nghị quyết 115 năm 2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đồng ý tỉnh này được hưởng chính sách giá điện ngưỡng 9,35 UScent/kWh theo Quyết định 11 năm 2017 đến hết năm 2020 với tổng công suất điện mặt trời là 2.000 MW. Nhưng Bộ Công thương đã tham mưu (khoản 3 Điều 5) Quyết định 13 năm 2020, mở rộng đối tượng là các dự án đã có trong quy hoạch và các dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch sau thời điểm ban hành Nghị quyết 115.
Dẫn đến, 14 dự án điện mặt trời được hưởng giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng. Từ năm 2020 tính đến ngày 30/6/2022, tổng số tiền mà EVN phải thanh toán nhiều hơn khoảng 1.481 tỷ đồng so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115.
"Điều này trái với nội dung Nghị quyết 115 và kết luận của Thủ tướng tại Thông báo ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ", Thanh tra chính phủ nêu "trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương với vai trò chủ trì tham mưu".
Sau khi giá FIT theo Quyết định 11 hết hiệu lực, Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 13 năm 2020. Theo kết luận thanh tra, Bộ này tham mưu điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá FIT ngưỡng 7,09 UScent/kWh (khoản 1 Điều 5) theo Quyết định 13 không đúng với kết luận của Thường trực Chính phủ.
Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo "xem xét ban hành biểu giá FIT áp dụng đối với các dự án 'đã ký hợp đồng mua bán điện' và 'đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020'; đối với các dự án còn lại và các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh...".
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã nêu lý do rằng, quyết định, thông tư về điện mặt trời hết hiệu lực nên chưa có cơ sở để EVN ký hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư. Từ đó, tham mưu thay điều kiện được hưởng giá FIT 7,09 UScent/kWh là "dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư". Tức là mở rộng đối tượng.
Vi phạm này của Bộ Công Thương cũng dẫn đến việc 14 dự án được hưởng giá FIT 7,09 UScent/kWh không đúng đối tượng...
Ngoài những vi phạm trên, Bộ Công Thương còn vi phạm về việc phê duyệt và tham cho Thủ tướng phê duyệt ồ ạt dự án nguồn điện gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành; tham mưu cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà; việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió…
Thực tế đã để xảy ra nhiều tồn tại, khuyết điểm, vi phạm như đã nêu trên, thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là minh chứng rõ về sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016-2020.
Đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế
Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của UBND tinh Ninh Thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023, trong đó đồng ý tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 đối với các dụ án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai.
Như vậy, theo Thanh tra Chính phủ, đối tượng được áp dụng mức giá 9,35 UScent/kWh là các dự án điện năng lượng mặt trời với công suất thiết kế là 2. 000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai, nhưng Bộ Công Thương đã tham mưu khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, theo đó đối tượng áp dụng đã được mở rộng là các dục án đã có trong quy hoạch phát triển điện học các cấp và dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch sau thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP là trái với nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ.
“Từ việc tham mưu mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế khuyến khích nêu trên, dẫn đến 14 dự án điện mặt trời được hưởng giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115/NQ-CP; từ năm 2020 tính đến ngày 30/6/2022, tổng số tiền mà EVN phải thanh toán nhiều hơn khoảng 1.481 tỷ đồng so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115/NQ-CP. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương với vai trò chủ trì tham mưu”, thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Theo kết luận thanh tra, trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Bộ Công thương với vai trò chủ trì tham mưu. Nhưng đối với việc tham mưu điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá FIT 7,09 UScent/kWh, Thanh tra chính phủ, cho rằng còn có trách nhiệm của các bộ, cơ quan liên quan (Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ và EVN) do đã đồng thuận với phương án đề xuất của Bộ Công Thương.
Đề xuất hướng xử lý trách nhiệm, cơ quan này đã có văn bản chuyển các vụ việc liên quan đến điện tới Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Với 14 dự án đang được hưởng giá FIT không đúng nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chủ trì đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế, khi để EVN "gánh" hơn hàng nghìn tỷ đồng tiền mua điện.
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện các dự án điện mặt trời, điện gió đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Điều này cũng khiến tài sản Nhà nước bị thất thoát.
Do đó, đơn vị này đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, xử lý. "Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định", kết luận nêu.
Hơn 35.000 lượt đoàn viên, sinh viên Hà Nội tham gia khắc phục hậu quả bão
Long An: Xây sẵn 11,6ha nhà xưởng để mời đón nhà đầu tư
Hơn 400 mã 'xanh mướt' trên sàn HoSE, VN-Index bật tăng gần 15 điểm
Hàn Quốc siết xuất khẩu, Nga cảnh cáo ‘đừng ngạc nhiên nếu bị trả đũa’
Cháy chung cư mini 56 người tử vong: Dự kiến chi trả bảo hiểm trên 10 tỷ đồng
Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về số lượng người sở hữu tiền ảo
Hà Nội tổ chức tuyến phố không dùng tiền mặt
Những sự kiện nổi bật trong lịch sử 30 năm thị trường BĐS
Xe mới mà ế ẩm: Toyota Yaris Cross giảm giá 100 triệu đồng
Tập đoàn Marubeni rót vốn vào DN cung cấp nguyên liệu cho Vinamilk, Trung Nguyên