'Muốn hút vốn ngoại vào công nghiệp bán dẫn, cần rõ cơ chế về đất, thuế và lao động'
(VNF) - Nói về giải pháp để thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam, ông David Whitehead, Phó chủ tịch Auscham chia rẻ môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp thu hút đầu tư FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn và chip.
Tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính
Tại cuộc gặp mặt với Thủ tướng ngày 16/10, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đem đến nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại song phương và củng cố cam kết của Mỹ đối với một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.
“Các thành viên của chúng tôi nhận thấy quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ xác định, tháo gỡ những nút thắt này, đồng thời giúp chính phủ xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu”, ông John Rockhold nói và đề nghị xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính.
Ông David Whitehead, Phó chủ tịch Auscham cho hay với vai trò kiến tạo, chính phủ đã đồng hành cùng doanh nghiệp FDI cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thích ứng và phát triển; tháo gỡ khó khăn; chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp…
Tuy nhiên, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cần có những điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép, đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế và cấp giấy phép lao động cũng như lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh.
“Điều này sẽ giúp thu hút đầu tư FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn và chip”, ông David Whitehead nói.
Ông Gaur Dattatreya, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Gaur Dattatreya, sự thay đổi liên tục để hoàn thiện của các chính sách và cơ chế quản lý ở Việt Nam, kết hợp với việc chồng chéo giữa trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan chức năng, đáng tiếc có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch và nhất quán trong các chính sách và quyết định của Chính phủ.
“Điều này có thể thấy ở nhiều lĩnh vực khác nhau như đầu tư, quy định nhập khẩu, cấp phép, với những hậu quả tiêu cực không thể tránh khỏi đối với cộng đồng doanh nghiệp. Với tư cách là một nhà đầu tư, đối tác lâu năm tại Việt Nam, Bosch rất mong muốn được hợp tác với chính phủ để làm rõ và giải quyết triệt để những vấn đề đó”, ông Gaur Dattatreya nói.
Chất lượng nguồn nhân lực sẽ thu hút đầu tư công nghệ cao
Ông Gaur Dattatreya cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một thời điểm hết sức khó khăn với hàng loạt khủng hoảng và biến động đáng tiếc. Tuy nhiên, ông vẫn luôn tin vào khả năng bứt phá cũng như định hướng của Chính phủ về việc đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nguồn đầu tư chất lượng cao và công nghệ cao.
Về lĩnh vực kỹ sư phần mềm và công nghệ thông tin, Bosch cũng có kế hoạch cụ thể tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam cho các lĩnh vực mới như chất bán dẫn hay thiết kế chip.
“Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố chính ảnh hướng đến quyết định đặt hay dịch chuyển căn cứ của các tập đoàn đa quốc gia. Chính vì vậy, chúng tôi chân thành khuyến nghị chính phủ cân nhắc và có kế hoạch cụ thể để phát triển nguồn nhân lực của các ngành công nghệ cao trọng điểm”, ông Gaur Dattatreya nói.
Theo đó, cần bắt đầu bằng việc khuyến khích sự phát triển của hệ sinh thái kết nối giữa doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, các cơ sở giáo dục dạy nghề, và bậc đại học, từ đó tạo điều kiện cho nguồn nhân lực Việt Nam được tiếp cận trang bị các kiến thức và kỹ năng thực tiễn để đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp trọng điểm.
Theo đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Việt Nam cần tập trung vào ngành chế tạo, đổi mới sáng tạo để thịnh vượng hơn và đối phó với một số tình huống khó lường. Ngành công nghệ thông tin phải trở thành "đầu tàu" thì mới dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển.
“Chúng ta cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về giáo dục, y tế, tài chính, cắt bỏ rào cản về luật pháp để tạo ra khuôn khổ mạnh mẽ hơn, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng của bất cứ quốc gia nào nhưng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hấp dẫn nhất trên không gian số”, đại diện JETRO nêu.
Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: 'Phạt nặng, ngăn chặn âm mưu lũng đoạn thị trường'
Giải cứu bất động sản: Cần ‘bung’ quy định về đất làm nhà ở thương mại
VAFI: 'Phương pháp tính thuế hỗn hợp không có lợi cho ngành bia'
Những điểm mới của Luật Nhà ở 2023 mới được Quốc hội thông qua
Yêu cầu xác thực sinh trắc học khi giao dịch lần đầu bằng Mobile Banking
Ứng xử trên sân golf: Đẳng cấp của người biết nhìn lại
Cận cảnh ô tô chở ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam, giá bao nhiêu?
Tập đoàn Nhật Bản rót thêm 500 triệu USD phát triển KCN Thăng Long II
Chân dung 'ông lớn' năng lượng dự định đổ chục tỷ USD vào điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam