Nga chuẩn bị 'ngân sách để chiến thắng'

Tài chính quốc tế   •   Thứ ba, 30/11/-0001, 00:00 AM

(VNF) - Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết trọng tâm chính của Nga trong ba năm tới sẽ là tài trợ cho quân đội của mình để giúp nước này đạt được chiến thắng trong cuộc xung đột với Ukraine.

Theo số liệu chính thức, Moscow có kế hoạch chi 14,2 nghìn tỷ rúp (158 tỷ USD) cho quốc phòng và an ninh quốc gia vào năm 2024.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov.

Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Izvestia của Nga ngày 14/12, ông Siluanov lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Moscow liên quan đến cuộc xung đột Ukraine đã đặt ra những thách thức khó khăn cho chính phủ Nga.

“Nhưng chúng tôi đã hiểu tình hình và biết cách hành động”, Bộ trưởng Tài chính Nga khẳng định.

Bộ trưởng cho biết kế hoạch ngân sách giai đoạn 2024-2026 được Tổng thống Vladimir Putin ký vào tháng trước, ưu tiên chi tiêu quân sự.

“Trong điều kiện hiện tại, nhiệm vụ chính là hỗ trợ tài chính cho các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt. Chúng tôi cùng với quốc hội đã mô tả kế hoạch tài chính ba năm là ngân sách chiến thắng”, ông Siluanov cho hay.

Vị bộ trưởng nói thêm rằng khoảng 10-11% ngân sách sẽ được phân bổ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo ông Siluanov, mặc dù về mặt tương đối, các khoản chi tiêu này đã giảm nhưng về mặt danh nghĩa thì điều này đã không xảy ra.

“Phúc lợi của người dân phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Bất chấp mọi hạn chế, hỗ trợ nền kinh tế là một phần cực kỳ quan trọng của ngân sách”, ông nhấn mạnh.

Theo Bộ Tài chính Nga, Moscow có kế hoạch phân bổ gần 39% tổng ngân sách cho chi tiêu quốc phòng và an ninh, lần lượt khoảng 10,8 nghìn tỷ rúp (120 tỷ USD) và 3,4 nghìn tỷ rúp (38 tỷ USD). Sau năm đầu tiên, ngân sách an ninh quốc gia dự kiến ​​sẽ giảm, mặc dù không đáng kể.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Bộ Tài chính, Moscow có kế hoạch dành khoảng 86 tỷ USD cho chi tiêu phúc lợi vào năm 2024, và con số này được dự báo sẽ duy trì ở mức tương tự trong hai năm tiếp theo.

Ngân sách sẽ thâm hụt, tuy nhiên, dự kiến ​​nó sẽ không vượt quá 1% GDP của đất nước. Bình luận về vấn đề này, ông Siluanov mô tả khoảng cách này là “được kiểm soát và không nghiêm trọng”, đồng thời nói thêm rằng mục tiêu của Moscow là thực hiện mọi nghĩa vụ của mình đối với người dân và bôi trơn các bánh xe của nền kinh tế thay vì đạt được thặng dư ngân sách.

Tăng trưởng GDP của Nga đạt 3,5%

Phát biểu tại cuộc giao lưu trực tuyến với người dân có nhan đề “Kết quả trong năm với Vladimir Putin”, Tổng thống Nga Putin cho biết nền kinh tế Nga đã thể hiện sức mạnh và sự ổn định trước áp lực từ bên ngoài, với GDP dự kiến ​​đạt 3,5% trong năm nay.

Theo ông Putin, nền kinh tế Nga đã phục hồi sau sự suy thoái năm ngoái và đang tiến về phía trước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo cuối năm ở Moscow.

Theo tổng thống Nga, nền kinh tế nước này vẫn còn những thách thức, với lạm phát dự kiến ​​sẽ tăng lên 8% vào cuối năm nay. “Nhưng ngân hàng trung ương và chính phủ đang thực hiện các biện pháp để đưa nó trở lại mức mục tiêu”, ông Putin chia sẻ.

Tổng thống Putin ghi nhận sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp ở mức 3,6%. “Điều đặc biệt hài lòng là ngành sản xuất đang phát triển”, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết.

Theo ông Putin, nợ công nước ngoài của Nga đã giảm từ 46 tỷ USD xuống còn 32 tỷ USD. Ông nói thêm rằng các công ty tư nhân cũng đang trả hết nợ đúng hạn.

Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đã giảm xuống mức thấp lịch sử 2,9%. “Điều này chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nước Nga. Đây là một chỉ số rất tốt về tình trạng của nền kinh tế”, ông nói.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết tiền lương thực tế ở Nga sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2023, tăng khoảng 8%, trong khi mức tăng thu nhập thực tế của người dân sẽ ở mức khoảng 5% vào cuối năm nay.

Theo ông Putin, du lịch nội địa đang phát triển với tốc độ tốt, lưu lượng vận tải hàng không ở Nga đã tăng 16,4%. Với tăng trưởng này, Nga có kế hoạch sản xuất hơn 1.000 máy bay chở khách cho đến năm 2030, mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc về phương Nam, để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Xem thêm >> Ông Putin: Mỹ 'rất có thể' đứng sau vụ đánh bom Dòng chảy phương Bắc

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề
'Bùng nợ' vay tiêu dùng, công ty tài chính liêu xiêu ôm nợ xấu

'Bùng nợ' vay tiêu dùng, công ty tài chính liêu xiêu ôm nợ xấu

Tài chính quốc tế   •   01.10.2024
VTV.vn - Chửi bới, rồi đuổi đánh, nhưng không phải hành vi đòi nợ của tín dụng đen mà ngược lại, từ người đi vay. Tâm lý "bùng nợ" đã gây ra nhiều hệ lụy...