Sau 1 năm kiểm soát đặc biệt: SCB đang hoạt động ra sao?

Ngân hàng   •   Thứ ba, 30/11/-0001, 00:00 AM

(VNF) - Sau hơn 1 năm được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt với nhiều bước đi chấn chỉnh quan trọng, chủ trương tái cơ cấu SCB đã được cơ quan quản lý "chốt", trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cách đây hơn 1 năm, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này.

Việc NHNN kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã tái cơ cấu và lên kế hoạch phục hồi.

NHNN cũng lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.

Tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã có báo cáo trình Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém. "NHNN đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB, để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại nhà băng này theo quy định", báo cáo Chính phủ nêu.

Chủ trương cơ cấu lại SCB được đưa ra trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất của chính ngân hàng và Ban kiểm soát đặc biệt SCB.

Như vậy, sau một năm được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chủ trương tái cơ cấu SCB đã được cơ quan quản lý "chốt", trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo cáo trạng, tại thời điểm khởi tố vụ án của bà Trương Mỹ Lan, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện ngân hàng này đã huy động của người dân và các tổ chức khác hơn 673.000 tỷ đồng, trong đó, riêng tiền gửi của khách hàng là hơn 511.000 tỷ đồng.

Thời điểm đó, tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán là 713.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định kiểm soát đặc biệt, thuê đơn vị kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính của SCB. Kết quả kiểm toán độc lập xác định SCB âm vốn chủ sở hữu  443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.500 tỷ đồng.

Kết luận điều tra xác định, từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.000 tỷ đồng, làm phát sinh lãi hơn 129.000 tỷ đồng, gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến SCB mất thanh khoản, dư nợ tín dụng lớn nhưng không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

Về cơ cấu nhân sự, ngày 22/9/2023, NHNN tổ chức buổi Công bố Quyết định của Thống đốc NHNN về nhân sự tham gia Hội đồng quản trị SCB.

Theo đó, ông Phan Đình Điền thôi đảm nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng thành viên Agribank để sang làm Chủ tịch HĐQT SCB thay ông Vũ Anh Đức kể từ ngày 22/9/2023.

NHNN cho biết, sau hơn một năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của NHNN, bộ, ngành và các cơ quan của TP. Hồ Chí Minh tích cực triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

Đại diện SCB cho biết, sau hơn 1 năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

Đến nay, SCB vẫn liên tục nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, sát sao từ NHNN và các cơ quan chức năng để từng bước ổn định, xử lý các khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng, hướng đến ổn định hoạt động ngân hàng và đưa SCB phát triển trong giai đoạn mới.

Bên cạnh xử lý các vấn đề hiện hữu, ngân hàng này cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu mạng lưới hoạt động với việc đóng cửa nhiều phòng giao dịch.

Từ khi vào diện kiểm soát đặc biệt, SCB thông báo đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch trên khắp các tỉnh, thành. Mới đây nhất, SCB vừa thông báo chấm dứt hoạt động 2 phòng giao dịch tại TP.HCM và An Giang từ ngày 22/12.

Trước đó, SCB đã đóng cửa chấm dứt hoạt động 3 phòng giao dịch tại Đà Nẵng từ ngày 16/12 và 20/12. Tính chung từ đầu tháng 12 đến nay, SCB đã đóng cửa 14 phòng giao dịch.

Trong tháng 10 và 11, ngân hàng này cũng đã chấm dứt hoạt động 21 phòng giao dịch tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, TP.HCM và Hà Nội.

Vào tháng 10/2022 - thời điểm trước khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB có một hội sở chính ở TP.HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước.

Từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 47 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố, tức đã đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch trên cả nước.

Trong hơn 1 năm được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, cùng với xu hướng chung của thị trường, lãi suất huy động tại SCB cũng giảm rất mạnh.

Mới đây, SCB đã thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 15/12 và giảm mạnh 0,6- 1,5%/năm tại tất cả kỳ hạn gửi.

Từ mức cao nhất nhì hệ thống, lên tới gần 10% tại nhiều kỳ hạn, lãi suất huy động của SCB đã liên tục giảm kể từ đầu năm. Trong đó, lãi suất nhiều kỳ hạn đã giảm một nửa so với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022 - giai đoạn SCB mới bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Hiện kỳ hạn 1-3 tháng tại SCB có lãi suất chỉ 2,25%/năm. SCB hiện có lãi suất huy động thấp hơn cả Agribank, VietinBank, BIDV (dao động 2,6-5,3%) và chỉ cao hơn Vietcombank - ngân hàng có lãi suất tiền gửi thấp nhất hệ thống.

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề
Hơn 35.000 lượt đoàn viên, sinh viên Hà Nội tham gia khắc phục hậu quả bão

Hơn 35.000 lượt đoàn viên, sinh viên Hà Nội tham gia khắc phục hậu quả bão

Tiêu điểm   •   16.09.2024
Trong những ngày qua hàng nghìn đoàn viên, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Hà Nội đã tham gia các hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão, lũ gây nên tại Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào cai.