Thấy gì từ vụ Vạn Thịnh Phát?

  •   Thứ ba, 30/11/-0001, 00:00 AM

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - về việc xử lý đại án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cuộc trao đổi diễn ra sau khi Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố (sắp đưa ra xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm tại TP.HCM).

Ông Yên nói đây là vụ án có tổ chức, điển hình xảy ra trong khối tư, nhiều về số tội danh, bị can, người có liên quan trong một vụ án; nhiều nhất về số tiền tham ô, số tiền đưa và nhận hối lộ, số tiền gây thiệt hại, thất thoát.

Đặc biệt cũng (nhiều) nhất về số tài sản có liên quan, số vật chứng đã bị phát hiện kê biên, phong tỏa, tạm giữ, số doanh nghiệp sân sau và số bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong và ngoài nước đều có. Đây cũng là lần đầu tiên xử lý tội tham ô đối với chủ doanh nghiệp tư và đồng phạm ở nước ta.

"Việc xử lý bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm là lời răn đe, cảnh tỉnh "cả vùng, cả lĩnh vực". Đây là bài học không của riêng ai. Các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp đồng sở hữu tổ chức tín dụng, cần xem đây là tấm gương để tự soi, tự sửa."

Ông NGUYỄN VĂN YÊN

Chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên bị xử tội tham ô

* Thưa ông, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã quy định tội tham ô không chỉ giới hạn ở khu vực công như trước đây, nhưng vì sao sau sáu năm luật ban hành, đến nay mới có chủ doanh nghiệp tư đầu tiên bị xử lý?

- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã điều chỉnh đối với tội phạm tham nhũng trong khối tư. Tuy nhiên, khối tư chỉ bị xử lý về bốn tội danh: tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ chứ không phải khối công có bao nhiêu tội danh và hành vi tham nhũng thì khối tư đều bị xử lý.

Từ khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực đã xử lý nhiều vụ án tham nhũng ở khu vực tư về các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ nhưng chưa xử lý về tội tham ô. Do đó, có thể xem đây là lần đầu tiên xử lý về tội tham ô trong khối tư. Nguyên nhân là từ trước đến nay chưa phát hiện, chứ không phải đã phát hiện nhưng bỏ qua, không xử lý. Việc xử lý tội phạm này là bình thường, đúng pháp luật, không có ẩn ý, cá biệt gì.

* Với vụ việc này thì có khó khăn gì không, thưa ông?

- Khi xử lý tội phạm tham ô trong khối tư, còn có ý kiến băn khoăn vì cho rằng tiền của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, muốn cho ai thì cho, không trốn thuế là được, tại sao Nhà nước lại xử lý?

Đây là vấn đề còn hạn chế trong nhận thức về tội phạm tham nhũng trong khối tư ở nước ta. Trên thế giới, nhiều nước đã xử lý tham nhũng trong khối tư từ lâu rồi. Khi chúng ta tiệm cận khoa học hình sự thế giới và trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế thì việc đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng trong khu vực tư là tất yếu.

Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tuy không giữ chức danh chính thức tại SCB nhưng có đủ chứng cứ chứng minh bà Lan là cổ đông lớn và sở hữu trên 90% cổ phần; là người chi phối, lũng đoạn, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động SCB với vai trò là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu.

Bà Trương Mỹ Lan đã dùng hết quyền, hết cách của mình thông qua nhiều con đường, cách thức để chuyển hơn 304.000 tỉ đồng trong một tổ chức tín dụng huy động từ nhiều nguồn thành tài sản cá nhân để tự mình định đoạt.

Hành vi này đã để lại hậu quả cho Nhà nước, cho nhân dân quá nặng nề. Hệ lụy của nó không chỉ giới hạn trong số tiền chiếm đoạt mà còn gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỉ đồng, kéo theo không biết bao nhiêu con người bị xử lý hình sự, các quan hệ kinh tế, dân sự, kể cả bên thứ ba ngay tình cũng bị liên lụy.

Hiện tại, vụ án mới kết luận điều tra giai đoạn 1 nên vẫn còn có những câu hỏi đặt ra. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đang tiếp tục điều tra để xử lý nghiêm minh nhiều hành vi phạm tội khác ở giai đoạn 2 như tội rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu...

Tổng hợp: THÀNH CHUNG - Trình bày: N.KH.

Đại gia đứng sau các ngân hàng, cần cảnh báo gì?

* Qua vụ Vạn Thịnh Phát, câu chuyện đại gia đứng sau thao túng, chi phối các ngân hàng đã được đặt ra. Từ việc xử lý vụ án này, chúng ta có cảnh báo gì?

- Vấn đề này, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng từng có cảnh báo. Từ năm 2015, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, đưa ra 29 kiến nghị, yêu cầu cụ thể. Theo đó, tình hình khó khăn, vướng mắc và vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này đã đỡ đi rất nhiều. Tuy nhiên, để thay đổi và bảo đảm sự minh bạch, lành mạnh không thể một sớm một chiều.

Vụ Vạn Thịnh Phát là vụ án điển hình về tham ô trong khối tư và không chỉ dừng lại ở một hành vi tham ô mà còn kéo theo nhiều hành vi phạm tội khác rất nghiêm trọng. Việc xử lý bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm là lời răn đe, cảnh tỉnh "cả vùng, cả lĩnh vực".

Đây là bài học không của riêng ai. Các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp đồng sở hữu tổ chức tín dụng, cần xem đây là tấm gương để tự soi, tự sửa. Chưa sai thì cần có biện pháp phòng ngừa để đừng bao giờ sai, còn nếu đã lỡ thì chủ động khắc phục hậu quả. Đừng để phạm tội như Vạn Thịnh Phát, SCB sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.

Tuy nhiên, việc xử lý doanh nghiệp và doanh nhân là câu chuyện bất đắc dĩ, có tội thì phải xử, tham nhũng, tiêu cực thì phải trừng trị, không ai thích thú bắt, giữ, giam người.

* Ông có thể nói thêm về chuyện "bất đắc dĩ"...

- Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi trọng sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước, luôn khuyến khích việc làm giàu chính đáng. Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là để tạo môi trường công khai, minh bạch, công bằng lành mạnh cho kinh tế - xã hội phát triển.

Về phía doanh nghiệp, tôi tin rằng không ai muốn mình vi phạm pháp luật. Việc xử lý doanh nghiệp, doanh nhân có tác động sâu rộng đến cộng đồng, nhất là người lao động, ảnh hưởng đến an sinh, xã hội và môi trường phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của đất nước. Vì vậy, xử lý tham nhũng trong khối tư là bất đắc dĩ, có tội thì phải xử.

Thực tế, khi xử lý một doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các cơ quan bảo vệ pháp luật đều có phương án xử lý phù hợp để tránh đổ vỡ, tăng thêm hậu quả xấu, xử lý tội phạm nhưng vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm ổn định, phục hồi, tiếp tục phát triển. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế và dân sự, không bới lông tìm vết để quy chụp, triệt tiêu sự năng động, sáng tạo, quyết tâm làm giàu chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân.

* Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc nhở người làm công tác kiểm tra, thanh tra phải đấu tranh với chính mình để không phạm phải cám dỗ đời thường. Nhưng ở vụ Vạn Thịnh Phát, cả đoàn thanh tra đều nhận tiền, tổng số lên đến gần 6 triệu USD. Cám dỗ quá lớn hay việc quản lý cán bộ còn lỏng lẻo, thưa ông?

- Theo tôi là cả hai, vừa bị cám dỗ vừa có lỏng lẻo, nhưng bị cám dỗ là nguyên nhân chính.

Đoàn thanh tra là đại diện của cơ quan chức năng có thẩm quyền phát hiện, kiến nghị xử lý tội phạm, đặc biệt thanh tra là lực lượng nòng cốt chuyên trách phòng chống tham nhũng, tiêu cực đáng lẽ phải chống cám dỗ, thắng được cám dỗ. Tuy nhiên, ở đây anh đã đầu hàng, không thể chiến thắng được chính mình, gục ngã trước sự mua chuộc, mất phanh, tự thua, tự chuốc tội vào mình. Điều này không thể chấp nhận được.

Nếu công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan với doanh nghiệp làm đúng quy định, minh bạch thì sai phạm 10 phần có thể phát hiện ngay đến 7-8 phần. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề quản lý cán bộ trong việc này vẫn còn hạn chế, thậm chí là yếu kém, đã bị "xuyên thủng" nên mới có câu chuyện sai phạm của vụ Vạn Thịnh Phát lên tới mấy trăm ngàn tỉ đồng đến nay mới bị xử lý.

Ở đây, từ người có chức vụ, quyền hạn trong đoàn thanh tra trở thành công cụ bao che, thậm chí còn "vẽ đường cho hươu chạy". Song việc "vẽ", "chạy" không đúng vì vụ lợi dẫn tới tất cả đều vi phạm, phải vào tù hoặc chịu hình thức xử lý nghiêm khắc khác.

Thực tế, đến nay số tiền nhận trái pháp luật đã nộp lại hoặc bị thu hồi.

Doanh nghiệp, doanh nhân không thể đứng ngoài trong phòng chống tham nhũng

Ông Nguyễn Văn Yên chia sẻ ở đâu có quyền lực, ở đâu có tài sản thì ở đó có nguy cơ tham nhũng. Tham ô là hành vi điển hình của tham nhũng, có thể xảy ra ở bất cứ thể chế, đất nước, xã hội nào, ở môi trường công hay tư và xét về bản chất sai phạm là giống nhau.

Đối với khối tư, tỉ lệ vốn đầu tư trong cơ cấu kinh tế chung của Nhà nước còn thấp. Tài sản ở đây của ông chủ, bà chủ nên việc quản lý, giám sát chi tiêu, mất còn thế nào họ đều biết. Quyền lực trong khu vực tư thuộc về người chủ, ai có quyền sở hữu chi phối doanh nghiệp người đó quyết định.

Pháp luật cho họ có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, thuê người quản lý điều hành, tùy ý trả lương cho nhân sự, hôm nay 10 triệu đồng/tháng, ngày mai 100 triệu đồng/tháng và nếu không muốn, không đạt mục tiêu, yêu cầu thì có thể ngừng trả lương, sa thải. Họ có quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm theo pháp luật.

Không phải lúc nào và không phải lĩnh vực hoạt động nào của doanh nghiệp tư Nhà nước cũng có thẩm quyền kiểm soát. Đây là nguyên nhân, là mảnh đất dung dưỡng cho nguy cơ phát sinh tham nhũng, tham ô trong khối tư nhưng rất khó kiểm soát, phát hiện, xử lý.

Từ thực tiễn trên cho thấy doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay của Đảng và Nhà nước ta.

Phân hóa xử lý ra sao để không lọt tội phạm?

Tài sản tại số 19-21-23-25 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM được Cơ quan
cảnh sát điều tra Bộ Công an ra lệnh kê biên vào ngày 11-8-2023 - Ảnh: T.T.D.

* Được biết, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất chủ trương phân hóa để xử lý trong vụ Vạn Thịnh Phát, việc này thực hiện ra sao? Vì sao 18 người đoàn thanh tra đều nhận tiền nhưng theo cáo trạng thì truy tố 11 người, 7 người được miễn trách nhiệm hình sự?

- Thực tiễn luôn vận động, phát triển không ngừng và pháp luật không phải lúc nào cũng theo kịp, vẫn có những "khoảng hụt" và kẽ hở nhất định. Đây là những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.

Từ thực tiễn chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất chủ trương phân hóa đối tượng xử lý trong một số vụ án, vụ việc đặc thù.

Chủ trương phân hóa là định hướng cho các cơ quan bảo vệ pháp luật đánh giá đúng bản chất sai phạm để xử lý, đúng công, rõ tội, không oan, không sai, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, phù hợp nguyên nhân, bối cảnh phát sinh vi phạm, tội phạm, phù hợp với tình hình an ninh, trật tự, kinh tế - xã hội và đối ngoại tại thời điểm xử lý.

Không hình sự hóa quan hệ kinh tế và dân sự, không nhầm lẫn giữa lỗi hành chính và hình sự. Đây là chủ trương khoa học, biện chứng, cần thiết và cũng chính là bản chất nhân văn của chế độ ta.

Không phải hành vi tham nhũng nào cũng là tội phạm nên phải xử lý đồng bộ bằng nhiều biện pháp, hình thức, không phải lúc nào cũng xử lý về hình sự. Hành vi nào đáng phải xử lý hình sự thì kiên quyết xử lý. Hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa đủ định lượng thiệt hại, không còn nguy hiểm cho xã hội thì phân hóa để xử lý.

Là đảng viên thì xử lý nghiêm theo kỷ luật Đảng, là cán bộ, công chức, viên chức... thì xử lý nghiêm theo kỷ luật hành chính, Nhà nước, đoàn thể và đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thì xử lý nghiêm về biện pháp hành chính, kinh tế.

Do quy mô vụ án Vạn Thịnh Phát quá lớn, vi phạm xảy ra quá dài, liên quan quá nhiều người nên Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất chủ trương phân hóa, giao các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương thống nhất nguyên tắc và tiêu chí xử lý.

Thứ nhất, đối với thành viên đoàn thanh tra đều có vi phạm, sai phạm ở các mức độ khác nhau. Tội đưa, nhận hối lộ là giữa người đưa và nhận phải có cam kết làm hoặc không làm việc gì đó có lợi cho bên đưa.

Với những người có thỏa thuận, đã làm trái công vụ, nhận số tiền lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì đều đã bị khởi tố. Với những người không có thỏa thuận gì đã báo cáo về sai phạm của SCB nhưng trưởng đoàn, người có thẩm quyền bỏ qua và sau đó có nhận số lượng ít tiền, quà vào dịp lễ Tết thì được phân hóa xử lý.

Các trường hợp này đã chủ động khai báo, nộp lại tiền đã nhận. Các cơ quan tố tụng trung ương đã phải họp nhiều cuộc, căn cứ vào chính sách hình sự của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tính chất, mức độ vi phạm, trách nhiệm khắc phục hậu quả và nguyên nhân để phân hóa không xử lý về hình sự một số người nhưng đã đề nghị xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính. Việc xử lý này cũng "mất tất cả" và đây là hình thức xử lý thấu tình đạt lý.

Thứ hai, đối với những người khác có liên quan, giữ vai trò thứ yếu, chỉ làm công, phụ thuộc, không có động cơ vụ lợi, không hưởng lợi, không quyết định được công việc của Vạn Thịnh Phát, SCB. Xét về hành vi, họ có vai trò giúp sức, xét về hậu quả ít nhiều có trách nhiệm nhưng đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng và chủ động khai báo.

Mặt khác, việc khắc phục, bồi thường thiệt hại thuộc về người chủ mưu, người tích cực thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, phải cân nhắc, không phải tất cả những người này đều phải xem xét trách nhiệm hình sự, dân sự.

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề
Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: 'Phạt nặng, ngăn chặn âm mưu lũng đoạn thị trường'

Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: 'Phạt nặng, ngăn chặn âm mưu lũng đoạn thị trường'

  •   30.01.2024
(VNF) - Để hạn chế tình trạng đấu giá đất rồi bỏ cọc, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, số tiền đặt có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ cọc, gây lũng đoạn thị trường.