Thuế tiêu thụ đặc biệt: 'Gọng kìm' hạn chế golf phát triển?

  •   Thứ ba, 30/11/-0001, 00:00 AM

(VNF) - Đại đa số ý kiến cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với kinh doanh golf đang là “gọng kìm lớn” đối với sự phát triển của thị trường golf Việt Nam. Trong khi đó, một bộ phận khác lại hoàn toàn ủng hộ chính sách này.

Trải qua hơn 20 năm kể từ thời điểm sân golf đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép, đến nay ngành golf của nước ta vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Chưa nói đến câu chuyện ưu đãi, chỉ đề cập đến các chính sách dành cho golf, thực tế vẫn còn nhiều điểm khắt khe và một trong những “trói buộc” đối với ngành golf là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Theo Thông tư 195/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 108/2015/NĐ-CP, hướng dẫn Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi của Bộ Tài chính ban hành, các dịch vụ kinh doanh golf phải chịu thuế TTĐB ở mức 20%. Đáng chú ý, mức thuế này cao hơn cả thuế TTĐB cho dịch vụ kinh doanh xổ số (15%) và một số lĩnh vực khác.

Trong thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, đơn vị và cá nhân hoạt động trong ngành golf kiến nghị về việc gỡ bỏ hoặc điều chỉnh mức thuế TTĐB hợp lý cho dịch vụ kinh doanh golf để phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành golf trong giai đoạn mới. Đơn cử như tỉnh Quảng Nam có kiến nghị gửi các bộ ngành xem xét bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ golf. Hay như tại hội thảo ‘Hải Phòng - điểm đến du lịch golf’ diễn ra vào tháng 8 vừa qua, các chuyên gia cũng cho rằng chính sách thuế là rào cản lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của golf, vì vậy cần có sự thay đổi là giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho người chơi golf có thể xuống 5% - 7%.

Còn tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” diễn ra vào tháng 3/2023, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, để thu hút loại khách chi trả cao đến Việt Nam và để Việt Nam thành thị trường khách du lịch cao cấp thì Nhà nước phải hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch thể thao như golf.

Theo ông Bình, hiện nay golf chỉ là môn thể thao nhưng thực chất trở thành sản phẩm du lịch hết sức quan trọng và số lượng khách đến Việt Nam đánh golf ngày càng đông. Đơn cử năm 2019, riêng Hàn Quốc có 5 triệu khách đến Việt Nam trong đó có hơn 1 triệu khách du lịch đến đánh gofl. Dự kiến với lượng khách ấy thì chi phí để trả cho Việt Nam cũng từ 2 đến 3 tỷ USD.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nước nào cũng phát triển rất nhiều sân golf để hút khách, vì vậy để phát triển loại hình du lịch này đủ sức cạnh tranh, đề nghị Nhà nước cho phép miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của những người chơi golf là khách du lịch. Nguyên nhân là bởi 20 năm trước chúng ta nghĩ chơi golf là xa xỉ vì vậy mới đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng đến thời điểm này đa phần những người đánh golf là khách du lịch.

Vì vậy, ông Bình đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu để có thể giảm từ 20% xuống 10%, hay 5% hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho khách du lịch đến Việt Nam đánh golf. Việc giảm, miễn thuế sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh rất lớn cho du lịch Việt Nam trong quá trình thu hút khách du lịch cao cấp.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho rằng cần phải có nhiều giải pháp tập trung hơn đối với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày ở Việt Nam. Theo bà Nga, chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay và du lịch golf của chúng ta đã được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất.

Phân tích về thuế, bà Nga cho rằng mức 20% thuế TTĐB hiện nay tại nước ta đang ở mức cao vì các nước xung quanh chỉ từ 5% - 7%. Vì vậy, bà Nga đề nghị Chính phủ nghiên cứu để điều chỉnh mức thuế này cho phù hợp nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Lê Kiên Thành, Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam, cho biết hiện nay chơi golf tại Việt Nam đắt hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia do bị cộng thêm 20% thuế TTĐB, mặc dù thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam thấp hơn. Hiện giá chơi golf ngày thường ở Thái Lan, Malaysia vào khoảng 1,2 triệu đồng nhưng ở Việt Nam là khoảng 2 triệu đồng.

Theo ông Thành, không có một nước nào trên thế giới đánh thuế TTĐB các dịch vụ kinh doanh golf như Việt Nam hiện nay. Việc đánh thuế TTĐB khiến cho golf tại Việt Nam chưa thể phát triển dù golf đã du nhập vào nước ta hơn 20 năm.

Chủ tịch Hiệp hội golf Việt Nam cho biết cũng đã có các kiến nghị, đề nghị tới Quốc hội từ lâu về việc xem xét bỏ thuế TTĐB đối với kinh doanh golf, bởi vì đây là một môn thể thao đã được SEA Games công nhận, Olympic công nhận. Bên cạnh đó, du lịch golf cũng đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút rất đông khách quốc tế và trong nước. Và loại hình này mang đến doanh thu lớn cho ngành du lịch nước ta bởi nhóm khách du lịch này có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày.

TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho rằng mức thuế TTĐB cho các dịch vụ kinh doanh golf hiện nay là vấn đề đáng để suy nghĩ nhưng quan trọng hơn là họ (du khách) chấp nhận được, họ đến Việt Nam và chấp nhận điều đó nếu như dịch vụ của chúng ta tốt hơn các nước khác.

“Cái quan trọng nhất không phải là giá thành của một sản phẩm nào đó cao hơn hay là thấp hơn một sản phẩm tương đồng mà nằm ở chất lượng. Chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ là cái quyết định trong môi trường cạnh tranh. Giá cũng là vấn đề nhưng nếu hai sản phẩm tương đương nhau về mặt chất lượng và dịch vụ thì chắc chắn người ta sẽ chọn sản phẩm có giá thành rẻ hơn”, ông Lương nói.

TS Phạm Trung Lương đánh giá mức thuế TTĐB hiện nay là hơi cao, tuy nhiên nếu chúng ta có sản phẩm golf tốt hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn, đội ngũ nhân sự tốt hơn thì chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng mức thuế TTĐB 20% cho golf hiện nay là chấp nhận được và không quá cao. Thực tế thì đây là mức thuế tương đối thấp. Ông Thịnh cho biết: “Trong bảng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng từ năm 2018 của chúng ta có mức thuế TTĐB cao nhất lên tới 150% (áp dụng cho xe ô tô dưới 24 chỗ loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3) nên mức này không phải là cao. Tất nhiên khi so với các quốc gia khác thì mức thuế này tương đối cao nhưng tôi cho là phù hợp”.

Theo ông Thịnh, nếu không đánh mạnh về thuế tiêu thụ đặc biệt, các địa phương sẽ ồ ạt phát triển sân golf, điều này tạo ra hệ luỵ là cạnh tranh không sòng phẳng, thậm chí có những thoả thuận ngầm giữa các địa phương. Bởi hiện nay các địa phương được phép cấp phép tự quy hoạch về sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh. Chưa kể, việc xây dựng các sân golf, bao gồm một số hoặc tất cả các công việc có thể gây tác động xấu đến môi trường. Ví dụ như làm mất một diện tích rất lớn đất canh tác, xoá sạch lớp phủ thực vật tự nhiên, gây ra cháy rừng, huỷ hoại tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan môi trường sống, tạo ra đất và lớp cỏ ngoại lai, gây ra những biến đổi về địa hình và nguồn nước ngầm địa phương,…

“Cùng với đó, nếu chúng ta buông lỏng không có quản lý chặt chẽ quy hoạch sân golf, không có một mức thuế phù hợp và không có mức thu phù hợp thì cuối cùng ngân sách địa phương sẽ không thu được gì, trong khi người dân thì mất việc làm. Điều đó cho thấy nếu không đánh thuế thì golf không có đóng góp gì cho nền kinh tế”, ông Thịnh nói.

>> Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam: 'Thuế TTĐB khiến golf Việt Nam chưa thể phát triển'

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề
Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: 'Phạt nặng, ngăn chặn âm mưu lũng đoạn thị trường'

Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: 'Phạt nặng, ngăn chặn âm mưu lũng đoạn thị trường'

  •   30.01.2024
(VNF) - Để hạn chế tình trạng đấu giá đất rồi bỏ cọc, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, số tiền đặt có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ cọc, gây lũng đoạn thị trường.