Trách nhiệm xã hội: Góc nhìn đãi ngộ nhân sự trong các DN Việt Nam
(VNF) - Ngày nay, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (gọi tắt là CSR) không còn xa lạ đối với các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trách nhiệm xã hội là gì?
Đó chính là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững thông qua việc tuân thủ các chuẩn mực, thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, của cộng đồng và vì sự phát triển chung của toàn xã hội.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hình thành và phát triển từ việc các doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận quan điểm vì cổ đông, chủ đầu tư sang tiếp cận vì các bên liên quan (trách nhiệm với cổ đông, với sản phẩm/khách hàng, với người lao động và với môi trường, cộng đồng), nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
Theo số liệu trong báo cáo khảo sát toàn cầu của KPMG năm 2020 về phát triển bền vững đối với hơn 5.000 doanh nghiệp tại 52 quốc gia, có hơn 80% các doanh nghiệp trên thế giới quan tâm và đã thực hiện cáo báo phát triển bền vững, con số này tại Nhật Bản chiếm đến 100%. Điều này cho thấy xu hướng chung của thế giới về trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp.
Nói đến CSR đối với môi trường, cộng đồng, chúng ta liên tưởng tới các hoạt động như từ thiện, đóng góp cơ sở vật chất ủng hộ các hoạt động xã hội như xây trường học, cầu đường, các hoạt động góp sức cho mục tiêu giáo dục, y tế….
Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung vào phạm vi CSR đối với người lao động trong tổng thể hoạt động đãi ngộ nhân sự tại doanh nghiệp và mức độ ảnh hưởng, tác động của nó lên sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, phân tích mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và chính sách đãi ngộ nhân sự từ đó đưa ra một số gợi ý cho giải pháp xây dựng hệ thống chính sách đãi ngộ hướng tới CSR dựa trên các nghiên cứu thực tế tại một số doanh nghiệp ở Việt Nam.
Chúng ta đều hiểu rằng, các doanh nghiệp thành lập với mục tiêu đầu tiên và tiên quyết là lợi nhuận, lợi nhuận cho ông chủ và cho các cổ đông.
Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao họ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ ngoài việc chỉ quan tâm đến lợi ích của nhóm cổ đông. Trong thực tế, các doanh nghiệp luôn cân nhắc giữa việc bỏ ra chi phí và lợi ích thu về. Các chi phí để xây dựng và duy trì vận hành một hệ thống đãi ngộ tốt, hướng tới CSR trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là một khoản chi phí lớn, thường xuyên và chưa thể có kết quả ngay trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, xét về hiệu quả bền vững, chúng ta có thể thấy ngay hình ảnh, thương hiệu và uy tín của các doanh nghiệp có minh bạch và quan tâm đến lợi ích xã hội, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động được xã hội biết đến nhiều hơn. Điều này tăng khả năng thu hút và giữ chân người lao động giỏi, thu hút sự quan tâm của khách hàng, đối tác kinh doanh.
Khi doanh nghiệp quan tâm tới chính sách đãi ngộ nhân sự có hướng tới CSR không những mang lại các lợi ích vật chất cho người lao động mà còn tạo ra một môi trường làm việc an toàn, ổn định. Người lao động yên tâm làm việc sẽ gia tăng năng suất lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội và mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp và các cổ đông. Sự phát triển của doanh nghiệp tạo ra các cơ hội việc làm cho người lao động, chính điều này góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, giảm gánh nặng cho xã hội, cộng đồng.
Đãi ngộ nhân sự tại DN Việt hướng tới CSR
Trách nhiệm xã hội trong việc xây dựng các chính sách đãi ngộ cho người lao động tại các doanh nghiệp đều thể hiện sự cam kết nhưng ở các mức độ khác nhau. Tại các doanh nghiệp nhỏ, khi điều kiện và năng lực chưa cho phép, các chính sách có thể dừng lại ở mức tuân thủ các chuẩn mực cơ bản, còn tại các doanh nghiệp lớn thì việc xây dựng các chính sách đãi ngộ cho người lao động không những tuân thủ các quy định của Luật mà còn hướng tới người lao động như một trong các bên liên quan trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp đó. Nó được thể hiện rõ nét qua các hoạt động như sau:
Tạo ra môi trường làm việc an toàn: Đó chính là cam kết đầu tiên cần tuân thủ của các doanh nghiệp khi thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động. Một nơi làm việc đảm bảo vệ sinh, có quy trình kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, cung cấp đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ cá nhân và đảm bảo các tiêu chuẩn theo đúng quy định.
Ngoài các tiêu chuẩn cơ bản theo quy định như trên, hiện nay các doanh nghiệp còn áp dụng thêm các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất đảm bảo về không gian, trang thiết bị văn phòng hiện đại, trang bị cây xanh, chỗ thư giãn cho người lao động. Thậm chí một số doanh nghiệp còn trang bị thêm phòng riêng cho nhân viên nữ sử dụng trong điều kiện mang thai và cho con bú.
Bình đẳng giới: Vai trò của nữ giới tại các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao, các doanh nghiệp hiện nay không chỉ để đáp ứng tỷ lệ nữ tham gia điều hành mà thực sự vai trò của các cán bộ lãnh đạo nữ đã thể hiện rõ giá trị mang lại cho doanh nghiệp. Điều nay tại các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm ưu thế hơn so với các doanh nghiệp FDI.
Đảm bảo trả lương đầy đủ, công bằng, minh bạch: Ngoài các tiêu chuẩn được xây dựng đảm bảo trả lương công bằng đối với người lao động thì việc minh bạch các tiêu chí đánh giá về năng lực tương ứng với các chế độ tiền lương, mức lương cạnh tranh so với thị trường cũng đang được các doanh nghiệp quan tâm và truyền thông tới người lao động. Việc trả lương đầy đủ, đúng hạn thường được các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam xem như tiêu chí tiên quyết để người lao động yên tâm công tác.
Tuân thủ các quy định về các khoản trích nộp: Nếu trong các doanh nghiệp nhỏ việc tuân thủ trích nộp các khoản quy định theo lương của người lao động chỉ ở mức tối thiểu thì tại các doanh nghiệp lớn thường sẽ được đảm bảo ở mức tối đa theo quy định. Ví dụ như mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, trích nộp thuế thu nhập cá nhân….Ngoài ra có một số doanh nghiệp nhận đóng hết cho người lao động mà không chia tỷ lệ giữa người lao động và doanh nghiệp theo quy định.
Đây cũng chính là một yếu tố tạo nên sự khác biệt của các doanh nghiệp thu hút được người lao động có trình độ cao và có thương hiệu tuyển dụng mạnh trên thị trường.
Đào tạo và phát triển: Không những tạo cơ hội làm việc mà còn dành nhiều nguồn lực, chi phí để đào tạo người lao động nhằm phát triển nghề nghiệp chuyên môn, nâng cao năng lực quản trị và tiếp cận các hệ thống khoa học, công nghệ tiến tiến bắt kịp xu hướng hội nhập toàn cầu cho chính bản thân người lao động và vì sự phát triển chung của doanh nghiệp. Yếu tố này thể hiện rõ nét tại các doanh nghiệp lớn trong khi đó ở các doanh nghiệp nhỏ mặc dù có quan tâm nhưng giới hạn về nguồn lực chưa có phép thực hiện được.
Đảm bảo quyền riêng tư, cá nhân nơi làm việc: Hiện nay luật đã bổ sung điều khoản về bảo vệ dữ liệu quyền riêng tư cá nhân. Một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu triển khai việc cam kết sử dụng dữ liệu cá nhân của người lao động trong phạm vi cho phép và có quy định về việc sử dụng các dữ liệu này nhằm bảo vệ người lao động. Điều này mang đến sự yên tâm cho người lao động và lòng tin đối với tổ chức.
Thay đổi tư duy về CSR
Ngoài các hoạt động thể hiện CSR trong các chính sách đãi ngộ nhân sự như trên, các doanh nghiệp khi nghiên cứu xây dựng hệ thống nên quan tâm nhiều đến các phúc lợi nâng cao khác cho người lao động như bảo hiểm sức khỏe, không chỉ dành cho người lao động mà còn cho cả người thân, xây dựng trường học và cho con em người lao động học tập với mức phí ưu đãi, thậm chí có thể miễn phí nhà trẻ. Trong điều kiện cho phép các doanh nghiệp về bất động sản có thể cung cấp nhà ở xã hội cho chính người lao động của mình như một khách hàng nội bộ đồng thời tạo điều kiện cho người lao động an cư, lạc nghiệp.
Không những hệ thống chính sách được xây dựng trên cơ sở đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động về vật chất, các điều kiện sống. Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu xây dựng và lan tỏa văn hóa sẻ chia ngay trong nội bộ doanh nghiệp và hướng ra cộng đồng, ví dụ như thành lập các quỹ thăm hỏi động viên các gia đình, con em có hoàn cảnh khó khăn trong doanh nghiệp cũng như tạo môi trường cho người lao động tham gia, đóng góp các hoạt động chia sẻ trách nhiệm với xã hội. Doanh nghiệp có thể làm gương thực hiện môi trường xanh, áp dụng lối sống nói không với việc sử dụng túi ni-lon và hộp nhựa nơi công sở bằng cách cung cấp cho cán bộ nhân viên bình nước giữ nhiệt, túi vải, sử dụng các sản phẩm năng lượng xanh…Chính những điều này thể hiện rõ nét trách nhiệm đối với xã hội và hướng người lao động tới cuộc sống văn minh, tạo thói quen tốt cho mọi người lan tỏa tới môi trường chung của xã hội.
Như vậy, có thể thấy rằng với mức độ đáp ứng của từng doanh nghiệp khác nhau mà hệ thống đãi ngộ nhân sự hướng tới CSR cũng sẽ khác nhau. Việc xây dựng một hệ thống chính sách đãi ngộ hướng tới CSR mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho người lao động, cộng đồng, xã hội mà còn cho chính doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, làm thế nào để hài hòa lợi ích, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp và cho từng giai đoạn thì vẫn là một thách thức đối với các doanh nghiệp. Để giải quyết phần nào các băn khoăn còn để ngỏ về việc xây dựng thành công chính sách đãi ngộ hướng tới CSR thì cần nghiên cứu và giải quyết các nội dung sau:
Tư duy từ phía nhà lãnh đạo doanh nghiệp: Muốn phát triển bền vững, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi quan điểm vì cổ đông sang các bên liên quan. Hiểu rõ được lợi ích mang lại từ việc tăng năng suất lao động, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường thông qua áp dụng chế độ đãi ngộ hướng tới CSR. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa mới thành thành lập, áp lực trong vấn đề lợi nhuận và chi phí sẽ khiến các nhà lãnh đạo có thể bỏ qua hoặc xem nhẹ vấn đề này. Tuy nhiên xét về dài hạn, việc xây dựng và duy trì hệ thống đãi ngộ hướng tới CSR có thể song hành cùng lợi nhuận, đem lại tăng trưởng bền vững và có lợi nhuận lớn hơn. Ví dụ nếu doanh nghiệp chú trọng đầu tư hệ thống ngay từ lúc này, tỷ lệ biến động nhân sự sẽ thấp, không tạo gánh nặng về nguồn nhân lực, về chi phí ra vào của nhân sự, chưa kể đến sự bất ổn trong nguồn lực tạo nên các sản phẩm không có chất lượng cao, khó đảm bảo được các tiến độ đã cam kết. Ngược lại, sự đầu tư cho hệ thống sẽ mang hiệu quả công việc, chất lượng sản phẩm, lòng trung thành và sự sáng tạo.
Đảm bảo về năng lực quản trị và tài chính: Năng lực về tài chính của doanh nghiệp gắn liền với sự đáp ứng các tiêu chuẩn trong chính sách đãi ngộ. Năng lực quản trị gắn liền với việc xây dựng và triển khai ứng dụng các chính sách đãi ngộ hiệu quả. Các doanh nghiệp cần xác định năng lực tài chính và hệ thống quản trị của doanh nghiệp mình tại từng thời điểm để có thể đưa ra được các hệ thống chính sách đãi ngộ hướng tới CSR ở mức độ phù hợp.
Truyền thông minh bạch: Một hệ thống chính sách nếu không minh bạch, không được truyền tải, lan tỏa tới người lao động, là chủ thể hưởng lợi từ các chính sách thì sẽ không mang lại hiệu quả. Bản thân người lao động, ngoài những mong muốn về cơ sở vật chất, thu nhập và các đãi ngộ thì cần được hiểu rõ tất cả các chính sách, trách nhiệm CSR do doanh nghiệp thực hiện đều là các chi phí, dù không trực tiếp chi cho người lao động nhưng là tổng thể các chi phí mà doanh nghiệp phải chi ra tính cho từng người lao động. Điều này giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của họ đối với hình ảnh chung của công ty, gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp là các chế độ có thể thực hiện được cho họ. Là mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan.
Xây dựng được một hệ thống chính sách đãi ngộ hướng tới CSR - đối với các doanh nghiệp chính là một phương án mang tính chiến lược dài hạn, tạo ra lợi nhuận kép trong tương lai. Vậy các doanh nghiệp hãy chủ động thay đổi vì sự phát triển bền vững và hướng tới thành công.
Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: 'Phạt nặng, ngăn chặn âm mưu lũng đoạn thị trường'
Top tour diễn đắt giá nhất 2023: Taylor Swift dẫn đầu, idol Hàn đình đám 'thua' sao Âu - Mỹ
Mazda CX-3: Xe mới giá rẻ hơn, cạnh tranh vị trí số 1 của Hyundai Creta
Becamex bán toàn bộ Khu đô thị Tân Thành Bình Dương cho CapitaLand
Ecopark thâu tóm dự án khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Thanh Thủy 65ha
Tranh chấp bồi thường với khách hàng, Bảo hiểm Hàng không liên tục thua kiện
Đà Nẵng: Thưởng Tết Nguyên đán 2024 cao nhất 1 tỷ đồng
Habeco bị thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng
Hết thời ép mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng
Bộ Công Thương duyệt mua điện giá vượt trần, nghìn tỷ chi sai làm sao đòi lại?