Xuyên đêm nhận diện "tàu ma" hút cát trái phép giữa sông Hồng

Ngân hàng   •   Thứ bảy, 22/02/2025, 20:54 PM

Từ tháng 6 đến tháng 12/2024, nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã nhiều đêm "mật phục" ghi hình những con "tàu ma" khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua huyện Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội).

Ghi nhận của phóng viên cho thấy các đối tượng sử dụng phương tiện là tàu hút (mỗi tàu khoảng 4 vòi hút) và tàu chở cát cỡ lớn từ 600 – 1.000m3 để chở cát vào các bãi trái phép ven bờ sông thuộc địa phận Hà Nội. Cát sau đó lập tức chuyển lên ô tô tải đưa đi tiêu thụ trong thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận trong đêm.

Với cách thức hoạt động như vậy, mỗi đêm hàng vạn m3 cát trên sông Hồng bị khai thác trái phép trước sự giám sát của các đối tượng ở các đoạn đường ra đường sông. Các hoạt động khai thác cát trái phép đã làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến sạt lở bờ sông, thất thoát tài nguyên khoáng sản…

"Bảo vệ" canh gác đường dẫn đến sông

Từ các nguồn tin của người dân địa phương, nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã vào cuộc xác minh, qua nhiều đêm theo dõi, chúng tôi đã ghi nhận tình trạng khai thác cát trên sông Hồng vào ban đêm ở nhiều đoạn tuyến.

Cụ thể, khi đêm xuống, ở các khúc sông Hồng tại nơi giáp ranh giữa hai xã Võng La, Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm); xã Đại Mạch (Đông Anh) giáp ranh với xã Liên Trung (Đan Phượng); xã Văn Khê (Mê Linh) giáp ranh với xã Hồng Hà (Đan Phượng); Thị trấn Tây Đằng và xã Minh Châu (Ba Vì); xã Xuân Đình (Phúc Thọ) thường xuyên diễn ra tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép. Khung giờ từ 20 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau.

Người đàn ông hút thuốc đứng canh gác ven sông mỗi khi có tàu khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh cắt từ video ghi nhận 19/12, ảnh Dân Việt.

Trước đó từ tháng 6/2024 trên đoạn đường Liên Mạc qua cống Chèm, đường Thượng Cát, PV đã ghi nhận từng đoàn xe tải chở đầy cát di chuyển từ bãi tỏa đi nhiều phía đến các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng để tiêu thụ ngay trong đêm. Mọi việc diễn ra rất khẩn trương trước sự giám sát của nhiều người.

Theo thông tin PV nhận được, một số cá nhân tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn giáp ranh giữa các quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ghi nhận thực tế tại hiện trường cho thấy phản ánh của người dân là có cơ sở.

Địa bàn thuộc quận Bắc Từ Liêm có nhiều "chốt cảnh giác" khiến phóng viên không thể tiếp cận trực tiếp hiện trường khai thác. Nhóm PV đã dùng flycam để ghi nhận hình ảnh máy xúc đưa cát từ sà lan lên xe tải chở đi tiêu thụ. 

Để tránh sự quan sát của nhóm người canh gác các bãi tiếp nhận cát hút trái phép từ sông lên, nhóm PV phải di chuyển vòng qua các thôn, ra cánh đồng. Từ bến phà Liên Hà (đường Liên Trung, huyện Đan Phượng), nhóm phóng viên di chuyển qua cầu Thăng Long đến bến phà Liên Trung (huyện Đông Anh) rồi tiếp cận khu vực khai thác cát trái phép trên sông Hồng thuộc xã Liên Trung.

Thậm chí, nếu chúng tôi vượt qua được vòng kiểm soát ở các đầu đường thì gần nơi tàu khai thác vẫn có những người "bảo vệ" cả trên đất liền lẫn dưới sông.

"Chân dung tàu ma" hút cát từ nửa đêm đến rạng sáng

Sau nhiều tháng tìm hiểu quy luật hoạt động của những nhóm đối tượng tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Hồng, nhóm phóng viên đã ghi hình cận cảnh các hoạt động khai thác cát trái phép ở nhiều đoạn tuyến trên sông.

Khu vực hoạt động thường xuyên, liên tục nhất phải kể đến khu vực giáp ranh giữa các huyện Đan Phượng, Đông Anh, Mê Linh và quận Bắc Từ Liêm. Khu vực khai thác chính giáp ranh địa phận các xã Liên Trung (Đan Phượng) và xã Văn Khê (Mê Linh), xã Đại Mạch (Đông Anh).

Những chiếc tàu khai thác cát trái phép tiến sát bãi bồi lấy cát vào ban đêm tại khúc sông Hồng khu vực xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Dân Việt
Sạt lở tại bãi bồi ven sông Hồng thuộc xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Dân Việt

Như rạng sáng 18/6 chúng tôi có mặt tại khu vực bãi bồi thuộc xã Liên Trung nằm cách khu dân cư khoảng 2km. Sau khi đi bộ qua cánh đồng đến bờ sông, phóng viên ghi nhận nhiều tàu đang chờ được hút cát. Giữa sông Hồng cách bờ khoảng 200m có hai tàu hút đang hoạt động, hai bên tàu hút là tàu chở cát đang nhận hàng.

Đến khoảng 3 giờ sáng ngày 18/6 khi những chiếc tàu đầy cát sẽ di chuyển cập bờ hữu sông Hồng thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm để những chiếc máy xúc chờ sẵn xúc cát lên ô tô tải rồi nhanh chóng di chuyển đến nơi tiêu thụ. 

Cũng trong khoảng thời gian này, tại khu vực xã Văn Khê (huyện Mê Linh, Hà Nội) cũng có một số tàu đang hoạt động ở bãi giữa sông Hồng. Đoạn tuyến này trước đó nhiều ngày nhóm phóng viên đã ghi hình hoạt động khai thác cát trái phép vào ban đêm.

Toàn bộ số cát khai thác được trong đêm sẽ được chuyển đi tiêu thụ chứ không tập kết ở bến bãi. Trong đêm, khu vực bến bãi hoạt động tấp nập, máy móc, ô tô nổ máy náo động một khu vực. Nhưng khi trời sáng, khu vực này lại trở nên vắng lặng, chỉ còn vết bánh xe ô tô tải, máy xúc dừng cạnh bãi cát. Tàu hút cát không biển số được di chuyển vào gần bờ nằm chờ. Sà lan chở cát cũng đã di chuyển đi nơi khác. 

Gần khu vực diễn ra hoạt khai thác cát trái phép vào ban đêm, phóng viên ghi nhận tình trạng sạt lở, nhiều cây, vườn chuối của người dân đã bị sạt xuống sông Hồng, chốc chốc từng ụ đất lại rơi xuống lòng sông.

Tháng 12/2024, khi nhóm PV Dân Việt quay trở lại đoạn tuyến sông Hồng qua địa bàn các quận, huyện Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, vẫn ghi nhận tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Đêm 6/12, rạng sáng 7/12, tại đoạn tuyến sông Hồng đoạn qua địa bàn xã Đại Mạch (huyện Đông Anh), phía đối diện là cảng Chèm (phường Liên Mạc, Bắc Từ Liêm), giáp ranh với xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) nhóm PV ghi nhận nhiều tàu đang khai thác cát trái phép.

Tương tự, tình trạng khai thác cát trên sông Hồng vẫn diễn ra vào ban đêm ở đoạn tuyến sông qua địa bàn xã Văn Khê (huyện Mê Linh), đối diện bờ sông Hồng thuộc xã Liên Hà, xã Hồng Hà (Đan Phượng); khu vực giáp ranh xã Liên Hồng, Liên Trung (Đan Phượng) và huyện Mê Linh (Hà Nội), khu vực Vũng Nhót và Đảo Cá Chép.

Khi tàu đầy cát di chuyển vào bờ có máy xúc và ô tô tải chờ sẵn chở cát đi tiêu thụ. Điểm tập kết cát nhiều nhất thuộc địa bàn xã Võng La (huyện Đông Anh) và phường Đông Ngạc, (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội như đá ném… sông Hồng

Cuối tháng 3/2024, Báo điện tử Dân Việt đăng tải bài viết kèm vieo: "Cát tặc vẫn ngang nhiên lộng hành trên sông Hồng" phản ánh tình trạng hàng loạt tàu hút cát trái phép hoạt động tại nhiều nơi trên sông Hồng. Ngày 2/4/2024, Chủ tịch UBND Thành phố Hà nội ra văn bản chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải và các huyện liên quan kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu, thực hiện ngay các biện pháp kiên quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, quận, huyện liên quan nơi có hoạt động khai thác khoáng sản (cát, đất, đá) nghiêm tục thực hiện chỉ thị 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban thường vụ Thành ủy và chỉ đạo của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tại Văn bản số 43-CV/BCSĐ ngày 15/8/2023 về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị của Thành phố Hà Nội theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị, thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm theo ý kiến chỉ đọa của UBND Thành phố Hà Nội tại văn bản số 240/UBND/-TNMT ngày 23/1/2024 về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

icon DNA

Tổng hợp

Cùng chủ đề
Xuyên đêm nhận diện 'tàu ma' hút cát trái phép giữa sông Hồng

Xuyên đêm nhận diện "tàu ma" hút cát trái phép giữa sông Hồng

Ngân hàng   •   22.02.2025
Từ tháng 6 đến tháng 12/2024, nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã nhiều đêm "mật phục" ghi hình những con "tàu ma" khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua huyện Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội).