Cho người nước ngoài sở hữu BĐS: Tham khảo kinh nghiệm các nước vùng Vịnh
(VNF) - Để hấp dẫn nguồn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thương mại, thu hút lao động chất lượng cao, các nước đều hoàn thiện thể chế theo hướng mở và thân thiện với người nước ngoài, trong đó có việc cho phép họ mua và sở hữu bất động sản.
Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo FIABCI thế giới tại Riyadh, chúng tôi có chuyến khảo sát vùng vịnh đến các nước Ả-rập Xê-út (Saudi Arabia), Gioóc-đa-ni (Jordan), Ba-ranh (Bahrain), Qatar và Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống Nhất (UAE).
Điều dễ nhận thấy ở cả khu vực này là hạ tầng rất phát triển nhờ nguồn tài chính từ dầu mỏ, điều kiện tự nhiên phù hợp cho xây dựng và tầm nhìn của chính phủ các Quốc Vương. Đường cao tốc; cảng biển; tàu bullet train; metro; sân bay lớn, hiện đại; năng lượng mặt trời và xử lý nước biển thành nước ngọt đều rất hoàn thiện.
Các nước đều được kết nối với nhau mang lại lợi ích cho cả khu vực. Qatar đã đầu tư 200 tỷ USD để hoàn thiện hạ tầng trước World Cup. 2 hãng hàng không hàng đầu thế giới là Emirates và Qatar Airways cùng 2 hãng hàng không nổi tiếng không kém là Ethihad Aiways và Gulf Air của 3 quốc gia là UAE, Qatar và Ba-ranh đang là cầu nối hàng không trong khu vực và kết nối khu vực này với thế giới.
Ba-ranh là quần đảo nhỏ nhưng đầu tư trên 850 triệu USD xây cầu vượt biển dài 25 km mang tên King Fahd Causeway nối với Ả-rập Xê-út . Ba-ranh cùng Qatar đang triển khai dự án xây cầu vượt biển dài trên 100 km nối 2 nước với nhau để thúc đẩy giao thương.
Các nước vùng vịnh đều đang tích cực chuyển đổi nền kinh tế để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Dịch vụ là một trong các lĩnh vực ưu tiên. Mà dịch vụ cần rất nhiều nhân lực. Dân số ít, thu nhập cao nên đại đa số người dân ở đây không muốn làm các công việc “cổ đen”. Vì vậy, nguồn nhân lực ở các quốc gia vùng vịnh rất thiếu.
60% lực lượng lao động của Ả-rập Xê-út nhập khẩu từ In-đô-nê-xia, Ấn Độ, Phi-lip-pin, Bangladesh, Pakistan, Nepal. Đại sứ Việt Nam chia sẻ với chúng tôi hiện có khoảng trên 4.000 người Việt đang lao động tại đây. Nhiều người làm giúp việc và được trả lương cao nhất trong nghề này.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ các nước đều khuyến khích công dân sinh nhiều con, nới lỏng chính sách lao động và nhập cư. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực ở các nước như Ba-ranh, Qatar và UAE cũng tương tự và đều nhập khẩu lao động từ các quốc gia châu Á như đề cập ở trên.
Để hấp dẫn nguồn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thương mại, thu hút lao động chất lượng cao, các nước đều hoàn thiện thể chế theo hướng mở và thân thiện với người nước ngoài, trong đó có việc cho phép họ mua và sở hữu bất động sản.
Oman, Jordan, Ba-ranh đều cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, đất ở trong một số khu vực nhất định, nhất là phân khúc cao cấp. Ba-ranh mở cửa cho nnn mua và sở hữu ở các khu vực Hoora, Abu Ghazal (Manama), Al Fateh District (Juffair), khu ngoại giao đoàn, đảo san hô & Seef (Reef Island and Seef). Ả-rập Xê-út cũng đang khẩn trương sửa luật cho phép người nước ngoài sở hữu nhà đất ở một số khu vực trong đó có siêu dự án NEOM 1.000 tỷ USD và các dự án thành phần như siêu đô thị the Line.
Từ năm 2020, Qatar cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà đất (biệt thự, căn hộ), khách sạn, văn phòng và các công trình thương mại khác ở 9 khu vực : West Bay Lagoon, The Pearl Qatar, Al Khor Resort, Rawdat Al Jahaniyah, Al Qassar, Al Dafna, Onaiza, Al Wasail, Al Kharij, Jabal Theyleeb.
Đồng thời Qatar cũng cho phép người nước ngoài lựa chọn thuê bất động sản 99 năm và gia hạn 99 năm tiếp theo tại 16 khu vực khác: Mshereib, Fereej Abdul Aziz, Al Doha Aljadeeda, Old Al Ghanim, Al Rufaa & Old Al Hitmi, Al Salata, Fereej Bin Mahmoud, Fereej Bin Mahmoud, Rawdat Al Khail, Al Mansoura & Fereej Bin Durham, Najma, Um Ghuwailina, Al Khulaifat, Al Sadd, Al Mirqab Al Jadeed & Fereej Al Nasr và khu vực sân bay quốc tế ở thủ đô Doha.
Qatar ban hành chính sách phân nhóm các nhà đầu tư. Nhóm hạng nhất (first-class) là nhóm đầu tư mua bất động sản có giá trị từ 3.650.000 Qatar riyals (khoảng 1 triệu USD). Nhóm này sẽ được cấp phép cư trú lâu dài (Permanent residency) và được hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục, đầu tư với điều kiện phải ở Qatar 90 ngày mỗi năm liên tục hoặc cách quãng.
Nhóm thứ 2 là nhóm đầu tư từ 730.000 QAR (150.000 USD). Nhóm này sẽ được cấp phép cư trú với điều kiện ở Qatar 90 ngày liên tục. Chính phủ Qatar đặt mục tiêu mở rộng và đang dạng hóa thị trường bất động sản nước này.
Nhóm thứ 3 là nhóm đầu tư ít hơn ở mức nhóm 2. Nhóm này sẽ không được cấp phép cư trú.
Như vậy Qatar chỉ khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào bất động sản phân khúc cao cấp để chào mời người giàu có đến đất nước này.
Thủ tục xin sở hữu bất động sản cho người nước ngoài đơn giản khi chỉ cần 1) Chứng thư chứng minh quyền sở hữu; 2) Bản sao Căn cước công dân/Hộ chiếu và 3) Certificate of good conduct (Kiểu như lý lịch tư pháp). Bộ Tư pháp Qatar xây dựng platfform trên trang www.moj.gov.qa để hướng dẫn và giải quyết thủ tục công khai, minh bạch.
Còn tại UAE, người nước ngoài đổ đến Dubai mua và sở hữu bất động sản nhiều đến mức thị trường bất động sản ở đây đã tăng gấp 2,5 lần trong vòng chỉ 5 năm qua. Người nước ngoài mua bất động sản có cơ hội được cấp Thị thực Vàng (Golden Visa) từ 2 đến 10 năm. Chính sách cho nnn mua và sở hữu bất động sản của UAE rất linh hoạt.
Công nhân một số nước Trung Đông như Ả-rập Xê-út, Oman, Ba-ranh, Cô-oét và Qatar được quyền mua và sở hữu bđs như người có quốc tịch. NNN đến từ các quốc gia khác thì chỉ được mua và sở hữu bđs trong các khu vực được sở hữu vĩnh viễn (free-hold zones). Thủ đô Abu Dhabi có 9 khu vực free-hold zones. Dubai có 50 khu vực tương tự trong đó có siêu dự án Cây Cọ, Bản đồ thế giới. Ngoài các khu vực đặc biệt này, nnn chỉ được phép thuê công trình trên đất từ 50 đến 99 năm.
UAE chưa đánh thuế bất động sản, kể cả thuế đánh thu nhập từ cho thuê. Nhà đầu tư chỉ phải nộp từ 2-4% thuế khi mua, bán bất động sản. Khoản thuế này cũng thường được chia 50-50 giữa bên bán và bên mua.
Giá bđs ở Dubai cao hơn ở thủ đô Abu Dhabi khoảng 10%. Giá trung bình 1 m2 căn hộ khoảng 2.500 đến 3.500 USD. Mỗi căn hộ giao động từ 300.000 đến 500.000 USD. Mỗi căn biệt thự từ 600.000 USD trở lên. Ngoại trừ Dubai Marina, Burj Khalifa và Palm Jumeirah có giá rất cao từ trên 6.500 USD/m2. Hai quý đầu năm 2023, số căn hộ được bán nhiều gấp 5 lần số biệt thự, tương ứng 23.244 căn và 4.808 căn.
Dòng tiền từ người giàu đến từ Nga đang tiếp tục chảy về UAE.
Việt Nam đang hoàn thiện thể chế theo hướng cân bằng giữa quản lý và kiến tạo phát triển. Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi đã được Quốc hội thông qua.
Trong bối cảnh, Luật Đất đai đang tiếp tục được xem xét thông qua trong kỳ họp gần nhất, chính sách, pháp luật của các nước Vùng Vịnh – các nước vốn “không cần tiền”, nay đã phải sửa đổi và hoàn thiện thể chế cho người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản trong đó có nhà đất như một giải pháp chuyển đổi nền kinh tế, thu hút du lịch, thu hút đầu tư, mở rộng và đa dạng hóa thị trường bất động sản.
Thể chế mở một cách chủ động, có kiểm soát và cách làm linh hoạt phục vụ kiến tạo phát triển của các nước này là tham khảo hữu ích cho Việt Nam.
Trúng đấu giá rồi bỏ cọc: 'Phạt nặng, ngăn chặn âm mưu lũng đoạn thị trường'
Toàn cảnh bê bối tham nhũng của đảng cầm quyền Nhật Bản
Bốn mẫu xe ô tô mới ra mắt giữa mùa thị trường ế ẩm
Startup fintech MFast được rót thêm 6 triệu USD
Đằng sau kỷ lục 10,5 tỷ USD: Một bước chậm chân, mất đơn hàng vào tay đối thủ
Đà Nẵng đấu giá loạt khu đất xây trung tâm thương mại, bãi đỗ xe
Eximbank bán 6 triệu cổ phiếu quỹ, muốn thu lời gấp rưỡi so với lúc mua
Suzuki hợp tác cùng SkyDrive sản xuất ô tô bay 3 chỗ
Bộ Tài chính: Lên kế hoạch thanh tra 6 DN bảo hiểm nhân thọ
Doanh nghiệp địa ốc lặng lẽ 'bán mình'
DN đối mặt nỗi đau lớn về dữ liệu: Một sai sót nhỏ, chịu tổn thất nặng nề