Giá vàng tăng cao nhất lịch sử: Giải mã cơn sốt hiếm có

Tiêu điểm   •   Thứ ba, 30/11/-0001, 00:00 AM

(VNF) - Giá vàng tăng dựng đứng khiến nhiều người băn khoăn giá vàng liệu còn tăng tiếp hay sẽ giảm trong những ngày tới? Còn các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên cẩn trọng trong giai đoạn vàng tăng "nóng".

Nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng

Giá vàng miếng SJC trong nước cuối năm 2023 ghi nhận những đợt tăng dữ dội và liên tục lập “đỉnh” mới.

Đặc biệt, trong mấy ngày gần đây giá vàng SJC tăng chóng mặt, cứ sau mỗi ngày lại thiết lập mặt bằng giá mới. Sáng 26/12, giá vàng đã lên mức cao nhất mọi thời đại 80,3 triệu đồng/lượng.

Trong vòng chưa đầy một tháng qua, từ đầu tháng 12 đến nay, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng khoảng 7 triệu đồng/lượng. Còn từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC tăng 12,6 triệu đồng/lượng.

Nhiều nhà đầu tư cũng không thể hình dung nổi vì sao giá vàng SJC trong nước lại liên tục thiết lập các mức kỷ lục trong thời gian ngắn.

Ngược với sức “nóng” của vàng, lãi suất tiết kiệm ngân hàng giảm xuống mức thấp trong lịch sử. Nhiều người cân nhắc về các kênh đầu tư, trong đó có vàng.

Lý giải vì sao giá vàng lại tăng phi mã trong nước, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, do lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý. Tâm lý "mua vàng còn giữ được giá" khiến nhiều người lựa chọn vàng để đầu tư.

Bên cạnh đó, dịp cuối năm, nhu cầu mua vàng trang sức phục vụ đám cưới, đám hỏi tăng lên, đã kích thích khiến giá vàng tăng.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ, giá vàng trong nước và thế giới tăng gần đây do nhiều nguyên nhân, trong đó có quyết định về lãi suất của Fed trong năm tới.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước còn vài yếu tố khác tác động đến, trong đó có vấn đề nguồn cung không dồi dào. Thị trường vàng trong nước không liên thông với vàng thế giới, NHNN là cơ quan duy nhất có thể nhập khẩu vàng. Vì thế, trong ngắn hạn, giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác biến động không tích cực, vàng đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất.

Ông Hiếu phân tích: khi kinh tế biến động, tâm lý của người dân luôn muốn tích trữ vàng. Giá vàng càng tăng càng kích thích tâm lý của người dân mua vàng. Đặc điểm khác của kênh đầu tư vàng, đó là thu hút được số đông người mua, điển hình là người dân lao động. Đây là nhóm khó tiếp cận với đầu tư chứng khoán và cũng chưa đủ tiền để mua bất động sản. Họ chỉ còn có 2 con đường: mua vàng và gửi tiết kiệm. Mà gửi tiết kiệm mang lại lãi suất thấp. Thế nên, người dân lại quay ra tích cóp mua vàng, càng đẩy giá vàng lên cao.

Còn ông Trần Duy Phương, chuyên gia ngành vàng, cho rằng có ba nguyên nhân chính thúc đẩy giá vàng trong nước đi lên. Thứ nhất, do tâm lý người dân tin rằng xu hướng của giá vàng thế giới sẽ còn tăng cao.

Thứ hai là lãi suất tiết kiệm hiện nay đã quá thấp và được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm. Do đó, những người vừa đáo hạn sổ tiết kiệm kỳ hạn một năm có xu hướng trích một nửa hoặc 1/3 số tiền để mua vàng.

Thứ ba, nguồn cung vàng miếng SJC quá khan hiếm, khi hơn 10 năm nay không được bổ sung thêm một lượng nào mà chỉ thỉnh thoảng dập mới những sản phẩm bị móp méo.

Theo giới chuyên gia, giá vàng tăng nhanh không chỉ do cầu quá cao mà còn vì nguồn cung hạn chế.

Vàng miếng SJC được các chuyên gia cho là thị trường đặc biệt khi nguồn cung độc quyền bởi Nhà nước và nguồn cung không đổi trong suốt chục năm qua. Theo lãnh đạo SJC, số lượng vàng miếng trên thị trường hiện nay còn rất ít, đặc biệt sau khi xuất đi một lượng lớn vào năm 2019.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho hay, giá vàng SJC tăng, giảm không theo giá thế giới mà theo cung - cầu trong nước. Thị trường vàng thời gian qua đang trong tình cảnh có cầu nhưng nguồn cung yếu nên giá diễn biến bất thường như vậy.

Đồng quan điểm, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VGTA cũng cho rằng, giá vàng tăng không phải do người dân mua quá nhiều mà chủ yếu do khan hiếm vàng SJC.

Thiếu nguồn cung, một số doanh nghiệp phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC càng khan hiếm.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm giá vàng tăng mạnh do vàng SJC không được Nhà nước cho nhập thêm, thị trường chỉ có mua đi bán lại vàng SJC cũ. Cầu tăng, cung không có thì đương nhiên giá tăng cao.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định, việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, dù chất lượng như nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng để ổn định thị trường thì Nghị định 24 không còn phù hợp và cần thay đổi để cả người dân, doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế cùng hưởng lợi.

Nhiều người lo ngại, giá vàng trong nước đang quá cao so với giá thế giới. Nếu Nhà nước không cho nhập chính thức nguy cơ sẽ xảy ra nhập lậu vàng.



Ngóng xu hướng giá để đầu cơ

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá vàng trong nước chịu tác động của giá vàng thế giới.

Hết thời gian nghỉ lễ của các nước phương Tây, tức chỉ khoảng ngày 10-15/1/2024, sẽ có một số nhà đầu tư bán vàng để bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh. Khi đó, giá vàng sẽ có chiều hướng đứng lại và giảm giá. Giá vàng thế giới sẽ lại quay về mốc 2.000 USD/ounce, khi đó giá vàng trong nước sẽ giảm.

Ông Huỳnh Trung Khánh chỉ ra rằng, giá vàng trong nước tăng quá nhiều so với thế giới nên dư địa tăng giá vàng trong nước không còn nhiều.

Theo ông Khánh, giá vàng tăng cao, nhiều người chốt lời sẽ bán ra. Khi đó, giá vàng sẽ điều chỉnh giảm xuống. Còn giá vàng thế giới từ nay đến hết năm sẽ không biến động nhiều.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhìn nhận, với diễn biến tăng liên tục như hiện nay cộng với tâm lý tích trữ vàng của người dân, giá vàng có thể sẽ lập đỉnh mới, chạm mốc 82 triệu đồng/lượng trước Tết Nguyên đán.

Trong khi giá vàng tăng cao, lãi suất huy động giảm thấp kỷ lục, nhiều người băn khoăn có nên rút tiền gửi ngân hàng ra để mua vàng.

Nhiều chuyên gia cảnh báo người dân cẩn trọng khi mua tích trữ vàng thời điểm giá liên tục lập kỷ lục như hiện nay. Bởi tình hình kinh tế thế giới hiện biến động khó lường, giá vàng rất thất thường, lên cao nhưng cũng có thể rớt ngay.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, dù lãi suất ngân hàng có giảm thấp nhưng vẫn chắc chắn hơn là mua vàng. Đầu tư vào vàng thì phải đầu tư ít nhất 3 tháng, còn nếu “lướt sóng” vàng thì sẽ lỗ bởi chênh lệch giữa chiều mua và bán quá nhiều.

Chỉ nên đầu tư vàng ở mức 20-30% số tiền đang có, còn lại gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn. Nếu đầu tư hết vào vàng sẽ rất rủi ro.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo không nên đi vay tiền đề đầu tư vào vàng. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính. Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên "bỏ trứng vào một giỏ".

Ông Hiếu cũng khuyến nghị những nhà đầu tư đang “ôm” vàng nên chốt lời, nếu có điểm chốt lời 10% hay 20% thì nên bán ra, không đợi giá lên thêm vì giá có thể đảo chiều bất cứ lúc nào.

TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, cách tốt nhất để tránh rủi ro, nhà đầu tư có thể chọn mua vàng nhẫn vốn bám sát giá vàng thế giới chứ không có độ chênh lớn như vàng SJC.

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề
Hơn 35.000 lượt đoàn viên, sinh viên Hà Nội tham gia khắc phục hậu quả bão

Hơn 35.000 lượt đoàn viên, sinh viên Hà Nội tham gia khắc phục hậu quả bão

Tiêu điểm   •   16.09.2024
Trong những ngày qua hàng nghìn đoàn viên, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Hà Nội đã tham gia các hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão, lũ gây nên tại Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào cai.