Vì sao hộ nghèo thường tìm vay tín dụng đen?

Tài chính tiêu dùng   •   Thứ ba, 30/11/-0001, 00:00 AM

(VNF) - Công nhân, hô gia đình lao động khi cần tiền cho nhu cầu cấp bách dù chỉ vài triệu đồng thường phải vay tín dụng đen với lãi suất rất cao. Một trong các nguyên nhân đang làm khó người vay tiếp cận tín dụng chính thức là phải có phương án kinh doanh khả thi, chứng minh khả năng trả nợ.

Vay nóng giải quyết nhu cầu cấp thời

Bà Đinh Thị Kim, ngụ tại quận Tân Phú TP. HCM vốn là thợ chuyên may hàng gia công cho xưởng sản xuất quần áo ở chợ Tân Bình. Hai tháng gần đây, bà bị chủ xưởng cho tạm ngừng công việc do buôn bán bán ế ẩm, xưởng chỉ giữ lại 1/2 số lao động, bà Kim đã ngoài 40 nên nằm trong nhóm cắt giảm đầu tiên và mất hoàn toàn thu nhập.

Trong lúc chờ tìm việc mới, bà Kim phải chi tiêu dè xẻn trong khoản tiền dành dùm ít ỏi. Nhưng đầu tháng 9 vừa qua, khi người bố đột ngột đổ bệnh, mỗi anh chị em trong nhà phải góp vài triệu triệu để cho ông phẫu thuật và nằm viện. 

Không thể hỏi vay ở đâu được, lại cần tiền gấp, nên bà Kim đã chọn cách vay nóng qua giới thiệu của 1 người ở cùng xóm. Số tiền vay nóng là 6 triệu đồng, trả góp cả gốc và lãi mỗi ngày 100.000 đồng, thời gian trả trong vòng 3 tháng.

"Có người bảo vay như vậy thì tính ra tiền lãi đến 50% chỉ trong vòng có 3 tháng, quá cao so với ngân hàng. Ngặt nỗi lúc đó tôi đâu còn biết tìm chỗ nào cho vay mà có tiền ngay lập tức, lại không cần phải làm giấy tờ hay thế chấp gì cả, nên thấy việc trả góp mỗi ngày 100.000 đồng là có thể trả được nếu đi giúp việc nhà vài tiếng mỗi ngày nên tôi đồng ý vay", bà Kim kể.

Bà Kim là một điển hình trong hàng vạn tình huống khiến người lao động nghèo phải tìm đến tín dụng đen bất chấp nhưng rủi ro đã được cảnh báo.

Theo Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), qua nhiều khảo sát, dự án liên quan công nhân, người lao động nói chung ở TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương... cho thấy rất nhiều người rơi vào bẫy tín dụng đen, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Đa số người lao động không có nhiều tích lũy, khi gặp bất trắc trong cuộc sống, cần tiền trang trải, họ nhìn ra các mối quan hệ xung quanh cũng chỉ là chủ trọ, công nhân khác vốn cũng khó khăn không kém gì họ. Song song đó, họ cũng không tiếp cận được các chính sách, thế nên họ chỉ biết tìm tới những nguồn vay nặng lãi.

Cũng theo Viện Social Life, Nhà nước cũng cần có quỹ 'hỗ trợ khẩn cấp', bởi thực tế cho thấy số tiền mà người vay muốn có để giải quyết những vấn đề cấp bách không nhiều, chỉ khoảng từ 3 - 30 triệu đồng.

Theo ghi nhận thực tế, tình hình tín dụng đen xuất hiện nhiều trong các khu lao động, các khu công nghiệp, chủ yếu lợi dụng những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay các khoản vay nhỏ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày.

Loại hình cho vay này có thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng, thậm chí có những hoạt động không cần gặp mặt, không cần thế chấp tài sản, chỉ yêu cầu người vay đồng ý cho truy cập vào danh bạ điện thoại là có thể cho vay được.

Theo một khảo sát  của Tổ chức tài chính vi mô CEP, có trên 46% người cho biết bản thân hoặc người quen từng là nạn nhân của tín dụng đen, hơn một nửa số người vay từng bị đe dọa, hành hung.

Công nhân phải vay tín dụng đen với lãi suất rất cao, có người phải vay với lãi suất 800%/năm, được ẩn dưới các loại phí như phí bản quyền, dịch vụ, phí xử lý, phạt thanh toán không đúng hạn... Con số này cao gấp nhiều lần mức 20% lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự mà luật cho phép.

Vì sao hộ nghèo thường tìm vay ở tín dụng đen

Tại Hội thảo góp ý dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới đây đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện các tổ chức tín dụng  về thực trang tín dụng đen trên địa bàn TP. HCM

Theo ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô CEP, tổ chức tài chính vi mô chủ yếu hướng đến các hộ gia đình thu nhập thấp với các khoản vay có quy mô 50 triệu đồng trở xuống.

Các hộ chủ yếu vay vốn phục vụ mục đích dân sinh, kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc chỉ là mua gà vịt về nuôi. Những hoạt động này gần như không có hóa đơn chứng từ, nếu quy định yêu cầu quá khắt khe, không khéo thì làm khó người nghèo.

Đại diện CEP nêu ý kiến, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng an toàn, giá rẻ thì phải đơn giản tối đa thủ tục. Đặc thù của tài chính vi mô, người vay không quan tâm lắm về tăng giảm lãi suất, nhưng lại rất quan tâm đến thủ tục và chi phí giao dịch. Nếu quy định thủ tục rắc rối khiến người vay nản lòng thì chính là cơ hội cho tín dụng đen, cho vay nặng lãi. 

Đáng chú ý hiện nay cho vay vốn ở quy mô nào cũng phải áp dụng theo Thông tư 39, tức là yêu cầu người vay phải có phương án kinh doanh khả thi, chứng minh khả năng trả nợ… Những quy định này không phù hợp thực tiễn và rất khó thực hiện, dẫn đến người vay thường từ chối.

Góp ý cho các quy định về công ty cho thuê tài chính, theo ông Trần Văn Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), mô hình này những năm qua hoạt động hiệu quả, tăng trưởng tốt (trên 20%), tỷ lệ nợ xấu thấp (1%), nhưng hiện mới chiếm 0,4% tổng dư nợ trong nước, trong khi ở Trung Quốc, tỷ lệ này là hơn 10%.

Hơn thế, quy định về người liên quan trong dự thảo luật quá chi tiết, đến mức người vay phải chứng minh 'lý lịch 3 đời' mới đáp ứng được quy định… Theo đại diện các ngân hàng, quy định này khó khả thi vì những mối quan hệ dâu rể này không bền vững, có thể thay đổi nhanh chóng. 

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề
Nghệ An: Triệt phá đường dây lô đề liên tỉnh hơn 200 tỷ đồng

Nghệ An: Triệt phá đường dây lô đề liên tỉnh hơn 200 tỷ đồng

Tài chính tiêu dùng   •   20.12.2024
(VNF) - Đường dây đánh bạc liên tỉnh, do Đinh Thị Thao và Nguyễn Thị Thảo cùng trú tại quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội cầm đầu. Đường dây này còn có nhiều “đại lý cấp dưới” ở nhiều địa phương trong cả nước.